Giả sử trên thuyền có người lái, thì người lái đò tất phùng mang, trợn mắt, chu chéo, một lần không nghe tiếng, tất chu chéo đến hai lần, hai lần không nghe tiếng, tất chu chéo đến ba bốn lần, rồi đến buông lời chửi rủa thậm tệ nữa.
Một việc xảy ra cũng giống nhau, mà như lúc trước thì không giận, lúc sau lại giận là tại làm sao?
- Tại lúc trước chiếc thuyền không có người mà lúc sau chiếc thuyền có người.
Người ta mà cứ thản nhiên không có chút tư ý gì thì ở đời còn có ai hại mình nữa.
Bình luận của Nguyễn Duy Cần:
Tôi thường tự hỏi: “Người đánh ta, ta giận, là tại người hay tại ta làm cho ta giận?”. Phần đông sẽ nói: “Vì người đánh ta, nên ta giận."
Nhưng nếu ta biết người đánh ta là người mất trí, ta có còn giận người ấy nữa không?
Chắc hẳn là không nếu ta là người biết xét. Trái lại, nếu ta biết người đánh ta là người tỉnh, thì ắt ta không khỏi phải nổi cơn giận dữ.
Cùng một việc xảy đến với ta, mà khi thì ta điềm tĩnh như thường, khi ta lại bực tức nóng giận. Tại nơi đâu? Có phải là tại nơi sự phán đoán của ta chăng? Tôi không thấy tại nơi ngoại vật chỗ nào cả.
Mạnh Tử nói: “Người ta ở đời, đối với người mà gặp phải kẻ dữ với mình một cách ngang ngược, thì nên coi như mình đi trong bụi rậm, vướng phải gai, chỉ nên thong thả đứng lại gỡ dần ra thôi.
Gai góc kia có biết gì mà đáng giận? Xử được như thế, thì tâm mình không phiền não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan...
Ta nên coi những sự ngang ngược phạm đến ta như chiếc thuyền không người lái, lỡ đâm phải ta, như cơn gió dữ tự lỡ tạt nhầm ta. Ta nghĩ cho cùng có gì đáng giận."
(sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét