28 thg 7, 2013

Thản nhiên trước sự mất mát


Thay vì để lộ vẻ đau buồn cùng tột và cất tiếng khóc to, Bồ-tát lặng lẽ ngồi bên thi thể vợ, lấy cơm ra ăn sáng. Ngài điềm nhiên ngồi ăn trong khi các người chung quanh khóc than rền rĩ. Sau khi ăn xong, Bồ-tát liền giảng một bài pháp khuyến dạy các người nghe cách dập tắt ngọn lửa của sự u sầu khóc than (parideva) đang nung cháy cõi lòng của họ.





064.- Sự điềm nhiên của vị Bồ-tát, tiền thân của Đức Phật.


Trong một kiếp sống xa xưa của Đức Phật khi còn là vị Bồ-tát (Bodhisatta), đôi vợ chồng Ngài đã từ bỏ sản nghiệp to lớn để trở thành hai kẻ ẩn tu sống trong rừng. Bà là một trang tuyệt sắc, hiền đức, ai trông thấy cũng tỏ lòng mến phục.
Sau một thời gian cư trú trong rừng, bà lâm bịnh nặng, vì phải dùng hoa quả còn sống và vật thực cúng dường, thay vì các món sơn hào hải vị đã quen được cung phụng ngày trước. Bà mắc chứng kiết lỵ và gần kiệt sức. Bồ-tát dìu vợ quay trở về và dừng lại ngoài cổng thành. Bà được đặt nằm bên vệ đường, trong khi Bồ-tát cầm bình bát đi khất thực. Bà trút hơi thở cuối cùng trước khi Bồ-tát quay lại. Dân chúng trong thành trông thấy thi thể, ngậm ngùi khóc than thương tiếc, mặc dầu họ chẳng phải là thân thuộc của bà. Họ lại sửa soạn làm lễ an táng cho bà.
Vào lúc ấy, vị Bồ-tát đã khất thực xong về đến nơi, chứng kiến cảnh mất mát bất ngờ và to tát của mình. Thay vì để lộ vẻ đau buồn cùng tột và cất tiếng khóc to, Bồ-tát lặng lẽ ngồi bên thi thể vợ, lấy cơm ra ăn sáng. Ngài điềm nhiên ngồi ăn trong khi các người chung quanh khóc than rền rĩ. Sau khi ăn xong, Bồ-tát liền giảng một bài pháp khuyến dạy các người nghe cách dập tắt ngọn lửa của sự u sầu khóc than (parideva) đang nung cháy cõi lòng của họ.

065.- Bà Mallika, phu nhơn vị tướng lãnh Bandhula.

Một câu chuyện lý thú khác, liên quan đến bà Mallika, phu nhơn của Tướng Bandhula. Tướng Bandhula phục vụ dưới triều vua xứ Câu tát la (Kosala); hai ông bà có được mười sáu đôi con trai song sanh (ba mươi hai người con). Các vị công tử nầy thường cùng với tôi tớ, đến hoàng cung để yết kiến vua.
Thấy gia đình đông con hùng mạnh nầy, vài quan đại thần tỏ lòng ghen tị và bịa chuyện ra sàm tấu với vua. Họ tâu gian rằng tướng Bandhula cùng các con đang bầy mưu phản nghịch. Trong một lúc bất minh, thiếu sáng suốt, vua tin lời tâu gian và ra lịnh bao vây nhà vị tướng lãnh Bandhula, bắt hết cả cha và các con đem thiêu sống, rồi lại đốt cả dinh thự.
Ngày hôm sau, khi bà Mallika sắp dâng cúng lễ vật lên Tôn giả Xá-lợi-phất (Sariputta), bà mới nhận được tin sét đánh đó. Tuy nhiên, bà Mallika vẫn giữ thái độ trầm tĩnh, chẳng để lộ vẻ đau buồn khổ sở. Sự mất mát thật là to tát, thế mà bà vẫn chẳng chút khóc than, bình tĩnh hoàn tất công việc tạo phước cúng dường.


Ghi chú: Trong hai thí dụ vừa kể, trường hợp vị Bồ-tát ẩn tu, ta chẳng lấy làm ngạc nhiên chi cho lắm, vì Ngài đã thi hành các pháp Ba-la-mật (Paramis, sự toàn thiện) qua nhiều kiếp sống rồi. Tâm tư Ngài đã được đào luyện kỹ càng và già dặn đến mức tuyệt kỹ, cho nên Ngài giữ được thái độ điềm nhiên cũng chẳng quá khó. Nhưng đối với cảnh bà Mallika, ta phải nên thán phục và noi theo gương bà. Bà là người phái yếu, dễ xúc động, thế mà biết giữ được sự bình tĩnh với ý tưởng cần phải hoàn tất việc cúng dường còn đang diễn tiến. Trong cuộc đời, chúng ta phải đối phó với hàng trăm ngàn việc khó khăn, dầu cho sống hơn trăm tuổi cũng chẳng giải quyết hết được. Bởi thế cho nên, ta phải cố gắng, bằng mọi cách, vượt lên trên nổi thống khổ, niềm ưu sầu cùng sự khóc than kể lể. Trong những phút đau buồn sầu khổ, ta nên quán chiếu như vầy: "Sự tập luyện về hạnh Ba-la-mật (Paramis) của tôi đã đầy đủ đến mức nào rồi?". Một nghịch cảnh khổ đau chính là một cơ hội để mình trắc nghiệm lại sức nhẫn nhục Ba-la-mật của mình.



Vi Diệu Pháp Nhựt Dụng
Hòa thượng Janakabhivamsa
budsas.org



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét