206. CHUYỆN CON NAI NÚI (Tiền thân Kurungamiga)
Này rùa, hãy dùng răng...,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo sư kể về Ðề-bà-đạt-đa. Lúc bấy giờ, bậc Ðạo sư nghe Ðề-bà-đạt-đa âm mưu sát hại Ngài, Ngài liền nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới âm mưu sát hại ta. Trong thời quá khứ, kẻ ấy cũng đã như vậy rồi.
Rồi bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì
Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con nai núi, sống tại một bụi cây ở trong rừng
không xa một cái hồ bao nhiêu. Trên một ngọn cây gần hồ có một con chim gõ
mỏ làm tổ. Trong hồ lại có một con rùa, như vậy ba con vật làm bạn với nhau,
và sống chung trong tình thương yêu nhau.
Một người thợ săn đang đi trong rừng nhận
thấy dấu chân của Bồ-tát gần bến nước. Anh ta đặt một cái bẫy thòng lọng
bằng da vững chắc như sợi dây bằng sắt, rồi bỏ đi. Bồ-tát đi đến uống nước
trong canh một, bị mắc vào bẫy, liền lớn tiếng kêu cứu. Nghe tiếng kêu của
Bồ-tát, lập tức chim gõ mỏ từ ngọn cây bay xuống và con rùa từ dưới nước bò
lên và bàn bạc chuyện phải làm. Con chim gõ mỏ nói với con rùa:
- Này bạn, bạn có răng, hãy cắn đứt cái bẫy
này.Còn tôi sẽ đi lập kế làm thế nào cho người thợ săn không thể đến đây
được. Như vậy, hai chúng ta nỗ lực tối đa để bạn chúng ta khỏi mất mạng.
Ðể nêu rõ ý nghĩa của việc này, con chim gõ
mỏ đọc bài kệ đầu:
Cắn đứt cái bẫy da,
Ta sẽ làm thợ săn
Không thể đến gần ta.
Con rùa bắt đầu nhai cắn sợi dây bằng da.
Còn con chim gõ mỏ đi vào làng người thợ săn để lập kế hoãn binh. Trời vừa
tảng sáng, người thợ săn đã cầm con dao ra đi. Ngay khi con chim thấy anh ta
ra khỏi trước cửa, nó kêu lên, đập đôi cánh và đánh vào miệng anh ta. Người
thợ săn suy nghĩ: "Ta bị một con chim điềm xấu đánh", liền trở vào nằm một
lát, rồi cầm dao đứng dậy.
Con chim suy nghĩ: "Người này lần đầu đi ra
bằng cửa trước, nay sẽ đi ra bằng cửa sau". Biết vậy, nó liền bay đậu phía
sau nhà. Người thợ săn cũng nghĩ: "Khi ta đi ra cửa trước, ta thấy một con
chim điềm xấu. Nay ta sẽ đi ra bằng cửa sau". Vì vậy anh ta đi ra bằng cửa
sau. Nhưng con chim lại kêu lên, bay đến và đánh anh ta vào miệng. Người thợ
săn thấy mình bị con chim điềm xấu đánh lần thứ hai ở miệng, suy nghĩ: "Con
chim này không cho ta ra đi". Vì vậy anh ta trở vào nằm xuống cho đến sáng
và khi mặt trời đã lên cao, anh ta mới cầm dao ra đi.
Con chim gõ mỏ vội vàng bay đi trước và nói
với Bồ tát:
- Người thợ săn sắp tới.
Lúc bấy giờ, con rùa đã nhai đứt tất cả sợi
dây da, chỉ trừ một sợi. Cái răng của nó như sắp bị rụng ra và miệng nó lấm
đầy máu. Bồ-tát thấy người thợ săn trẻ cầm dao trong tay đi đến nhanh như
chớp, liền giựt đứt sợi dây và chạy vào rừng. Con chim gõ mỏ bay lên đậu
trên ngọn cây. Con rùa quá yếu nên nằm tại chỗ. Người thợ săn quăng con rùa
vào cái túi và treo túi ấy trên một khúc cây. Bồ-tát trở lui nhìn, biết con
rùa bị bắt, liền quyết định sẽ cứu sống bạn. Vì thế nai liền giả vờ mất sức
đứng ra để người thợ săn thấy. Người thợ săn nghĩ: "Con vật này yếu đuối
rồi, ta sẽ giết nó", liền cầm dao đuổi theo Bồ-tát.
Bồ-tát dụ anh ta chạy vào rừng. Khi anh ta
chạy đã xa, Bồ-tát tẩu thoát khỏi anh ta và dùng một con đường khác trở về
nhanh như gió. Nai lấy cặp sừng, nhấc bổng cái túi rơi xuống đất, rồi phá bỏ
cái túi và cứu con rùa ra. Con chim gõ mỏ từ trên cây bay xuống, Bồ-tát
khuyến bảo cả hai bạn:
- Tôi nhờ hai bạn cứu mạng sống, tôi đã làm
những gì cần phải làm để cứu hai bạn. Nay người thợ săn sắp tới bắt các bạn,
vậy này bạn chim gõ mỏ, hãy đem các con của mình dời đi nơi khác. Còn rùa
bạn, hãy lặn xuống nước.
Và chúng làm đúng như vậy.
Bậc Ðạo sư nhân danh bậc Giác ngộ đọc bài kệ
thứ hai:
Con nai chạy vào rừng,
Còn con chim gõ mỏ,
Từ trên ngọn cây cao
Vội đem bầy con nhỏ,
Bay xa thật là mau!
Người thợ săn đi đến chỗ ấy, không thấy con
vật nào cả. Anh ta thấy cái túi rách, đành lượm túi lên, lòng đầy buồn bực
và đi về nhà.
Con ba con vật ấy làm bạn với nhau trọn đời
sống trong tình bạn không bị gián đoạn và rồi lúc chết, chúng đi theo nghiệp
của mình.
Sau khi nói lên Pháp thoại này, bậc Ðạo sư
nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ người thợ săn là Ðề-bà-đạt-đa, con chim gõ mỏ là Xá-lợi-phất, con rùa là Mục-kiền-liên và con nai là Ta vậy.
- Lúc bấy giờ người thợ săn là Ðề-bà-đạt-đa, con chim gõ mỏ là Xá-lợi-phất, con rùa là Mục-kiền-liên và con nai là Ta vậy.
Tiểu Bộ Kinh -
Tập V
Chuyện Tiền
Thân Đức Phật
PHẨM
NATAMDAIHA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét