Cũng vậy, này Bà-la-môn,
nếu Ông phỉ báng chúng tôi là người không phỉ báng; nhiếc mắng chúng tôi là
người không nhiếc mắng; gây lộn với chúng tôi là người không gây lộn; chúng tôi
không thâu nhận sự việc ấy từ Ông, thời này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông.
Này Bà-la-môn, sự việc ấy chỉ về lại Ông. Này Bà-la-môn, ai phỉ báng lại khi bị
phỉ báng, nhiếc mắng lại khi bị nhiếc mắng, gây lộn lại khi bị gây lộn, thời
như vậy, này Bà-la-môn, người ấy được xem là đã hưởng thọ, đã san sẻ với Ông.
Còn chúng tôi không cùng hưởng thọ sự việc ấy với Ông, không cùng san sẻ sự
việc ấy với Ông, thời này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông! Này Bà-la-môn, sự
việc ấy về lại Ông!
II. Phỉ Báng (S.i,161)
1) Một thời Thế Tôn trú
ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Bà-la-môn Akkosaka
Bhàradvàja được nghe Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja đã xuất gia với Thế
Tôn, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
3) Ông phẫn nộ, không
hoan hỷ, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói những lời nói không tốt đẹp, ác ngữ,
phỉ báng và nhiếc mắng Thế Tôn.
4) Ðược nghe nói vậy,
Thế Tôn nói với Bà-la-môn Akkosaka Bhàradvàja:
-- Này Bà-la-môn, Ông
nghĩ thế nào? Các thân hữu bà con huyết thống, các khách có đến viếng thăm Ông
không?
5) -- Thưa Tôn giả
Gotama, thỉnh thoảng, các thân hữu, bà con huyết thống, các khách có đến viếng
thăm tôi.
6) -- Này Bà-la-môn, Ông
nghĩ thế nào? Ông có sửa soạn cho họ các món ăn loại cứng, loại mềm và các loại
đồ nếm không?
7) -- Thưa Tôn giả
Gotama, thỉnh thoảng tôi sửa soạn cho họ các món ăn loại cứng, loại mềm, các
loại đồ nếm.
8) -- Nhưng này
Bà-la-môn, nếu họ không thâu nhận, thời các món ăn ấy về ai?
9) -- Thưa Tôn giả
Gotama, nếu họ không thâu nhận, thời các món ăn ấy về lại chúng tôi.
10) -- Cũng vậy, này
Bà-la-môn, nếu Ông phỉ báng chúng tôi là người không phỉ báng; nhiếc mắng chúng
tôi là người không nhiếc mắng; gây lộn với chúng tôi là người không gây lộn;
chúng tôi không thâu nhận sự việc ấy từ Ông, thời này Bà-la-môn, sự việc ấy về
lại Ông. Này Bà-la-môn, sự việc ấy chỉ về lại Ông. Này Bà-la-môn, ai phỉ báng
lại khi bị phỉ báng, nhiếc mắng lại khi bị nhiếc mắng, gây lộn lại khi bị gây
lộn, thời như vậy, này Bà-la-môn, người ấy được xem là đã hưởng thọ, đã san sẻ
với Ông. Còn chúng tôi không cùng hưởng thọ sự việc ấy với Ông, không cùng san
sẻ sự việc ấy với Ông, thời này Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông! Này
Bà-la-môn, sự việc ấy về lại Ông!
11) Nhà vua và vương
cung, vương thần nghĩ rằng: "Sa-môn Gotama là vị A-la-hán". Tuy vậy
Tôn giả Gotama nay đã phẫn nộ.
12) (Thế Tôn):
Với vị không phẫn nộ,
Phẫn nộ từ đâu đến?
Sống chế ngự, chánh mạng,
Giải thoát, nhờ chánh trí.
Vị ấy sống như vậy,
Ðời sống được tịch tịnh.
Những ai bị phỉ báng,
Trở lại phỉ báng người,
Kẻ ấy làm ác mình,
Lại làm ác cho người.
Những ai bị phỉ báng,
Không phỉ báng chống lại,
Người ấy đủ thắng trận,
Thắng cho mình, cho người.
Vị ấy tìm lợi ích,
Cho cả mình và người.
Và kẻ đã phỉ báng,
Tự hiểu, lắng nguôi dần.
Bậc Y sư cả hai,
Chữa mình, chữa cho người,
Quần chúng nghĩ là ngu,
Vì không hiểu Chánh pháp.
13) Khi được nghe nói
vậy, Bà-la-môn Akkosaka Bhàradvàja bạch Thế Tôn:
-- Thật là vi diệu thay,
Tôn giả Gotama!...,... Con xin quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp và quy y
Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama cho con được xuất gia tu học với Tôn giả
Gotama, được thọ đại giới.
14) Bà-la-môn Akkosaka
Bhàradvàja được xuất gia với Tôn giả Gotama, được thọ đại giới.
15) Ðược thọ đại giới
không bao lâu, Tôn giả Akkosaka Bhàrahvàja sống một mình, viễn ly, không phóng
dật, nhiệt tâm, tinh cần không bao lâu đạt được mục đích mà các thiện nam tử
chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến: Ðó là vô
thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại với thắng trí, tự mình giác ngộ,
chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc
nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa".
16) Và Tôn giả Akkosaka
Bhàradvàkja trở thành một vị A-la-hán nữa.
(Kinh Tương Tưng Bộ, Thiên 1; Chương
VII, Phẩm A La Hán Thứ nhất, II. Phỉ Báng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét