18 thg 6, 2013

Bản Thể của Tâm (Tâm Thể)



"Tâm có thể đi dạo xa, nó đi lang thang một mình. Nó chẳng có hình dạng vật chất, và trú sở của nó ở trong hang động."
, theo một câu thơ trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada). Sau đây, chúng ta hãy tìm hiểu thêm chi tiết về câu thơ nầy.

005.- Tâm có thể đi dạo xa.
Tâm chẳng có thể di động như một khối vật chất, giống một người đang bước chơn đi. Nhưng tâm có thể cảm nhận được một vật ở cách xa chỗ bạn đứng, nên cũng tựa như tâm đã đi đến nơi vật ở đấy. Thí dụ như, trong khi bạn đang ở Mandalay và tưởng nghĩ đến một vật gì hay một người nào ở Yangon, tâm của bạn đâu có thật sự đi đến tận Yangon, nhưng nó ghi nhận được sự ý thức ở Yangon, ngay cả khi còn đang ở tại Mandalay. Vi tâm có thể cảm nhận được một sự vật ở xa, cho nên mới nói: "Tâm có thể đi dạo xa" .

006.- Tâm đi lang thang một mình.
Tâm thức khởi lên và biến đi rất nhanh chóng. Hơn cả triệu triệu (hay một ngàn tỷ) đơn vị của tâm thức có thể khởi hiện và biến diệt ngay trong một cái khảy ngón tay. Sự phát khởi và biến diệt đó thật là nhanh chóng, khiến cho hai hay ba đơn vị tâm thức dường như có khả năng khởi lên và cảm nhận hai hay ba sự vật cùng một lúc. Kỳ thật, chẳng hề có hai hay ba đơn vị tâm thức khởi lên cùng một lúc cả. Chúng khởi lên trước sau từng cái một, và chỉ bắt đầu cảm nhận một sự vật nầy, sau khi đã cảm nhận sự vật trước xong,
Trong khi chúng ta ngồi trên ghế nệm tẩm nước hoa, ăn uống và thưởng thức các ca sĩ, vũ nữ trình diễn, chúng ta để ý thấy có cả năm trần (đối tượng của các giác quan), tức là: sắc, thanh, hương, vị xúc Tâm chúng ta chẳng cảm nhận cùng một lúc cả năm đối tượng ấy một lượt đâu. Chỉ sau khi cảm nhận được một sự vật mà chúng ta thích nhứt, thì các sự vật khác mới được chúng ta cảm nhận tiếp đến. Do đấy, hai hay ba đơn vị tâm thức chẳng hề khởi lên cùng một lúc. Vì tâm thức chỉ lần lượt khởi lên từng cái một, cho nên mới nói: "Tâm đi lang thang một mình."
Lại nữa, chữ "đi lang thang", ở đây, chẳng có nghiã là thật sự đi đây đi đó, mà chỉ có nghiã là tâm cảm nhận được một sự vật ở một địa điểm cách xa đây. Khi cảm nhận một sự vật, một đơn vị tâm thức duy nhứt chẳng đủ để khiến cho chúng ta nhận thức được trọn vẹn về sự vật ấy. Cần rất nhiều đơn vị tâm thức hiện khởi lên, cái sau tiếp theo cái trước, một cách liên tục. Vì đã có hàng tỷ đơn vị tâm thức có thể khởi lên rồi biến diệt ngay trong một cái khảy ngón tay, cho nên chúng ta mới nghĩ rằng chúng ta nhận ra được hình dạng khi chúng ta trông thấy vật, biết được âm thanh khi tiếng nó nổi lên, hay bắt được một mùi khi ngửi đến nó, hoặc có cảm giác khi chạm đến nó.

007.- Tâm chẳng có hình dạng vật chất.
Tâm thức chẳng có hình dạng hay màu sắc. Cho nên, chúng ta chẳng thể nói tâm nầy trắng hay đen; tâm kia dầy hay mỏng. Nó chỉ là cái khả nhận tính, cái khả năng để phân biệt một sự vật mà thôi.

008.- Trú sở của tâm thức ở trong hang động.
Nhãn thức bắt nguồn ở mắt; nhĩ thức bắt nguồn ở tai; tị thức bắt nguồn ở mũi; thiệt thức bắt nguồn ở lưỡi; thân thức bắt nguồn trong thân. Mặc dầu một vài tâm thức bắt nguồn nơi mắt, tai, mũi, v.v., đa số các hình trạng của tâm thức đều bắt nguồn từ trong buồng tim. Vì thế mà nói, một cách bóng bảy, "trú sở của tâm ở trong hang động".

Tóm lại, xin ghi nhận rằng, tâm thức chẳng có hình dạng; tâm có thể cảm nhận được sự vật, đối tượng của các giác quan; bản thể tâm là sự nhận thức một vật. Trong tiến trình nhận thức, tâm chẳng hề lià khỏi trú sở của nó, ngay cả trong khoảng một sợi tóc, nhưng nó có thể cảm nhận được các sự vật ở cách xa. Hai hay ba đơn vị tâm thức chẳng hề đồng thời khởi lên. Một đơn vị tâm thức chỉ khởi lên sau khi đơn vị trước biến đi, cái nầy tiếp theo cái kia một cách liên tục.

Ghi nhớ: Tâm thức cảm nhận các sự vật, đối tượng của các giác quan. Tâm có thể dạo đi xa, lang thang một mình, chẳng có hình dạng vật chất; trú sở của tâm nằm trong buồng tim.
Vi Diệu Pháp Nhựt Dụng  (sách)
Hòa thượng Janakabhivamsa
U Ko Lay dịch sang Anh ngữ

Cư sĩ Thiện Nhựt dịch sang Việt ngữ
budsas.org

2 nhận xét:

  1. Vì tâm thức khởi lên và biến đi thật nhanh chóng, cho nên các tâm sở thiện và bất thiện, hay lành mạnh và chẳng lành mạnh, dễ pha trộn lẫn nhau ngay trong một khoảng thời gian ngắn chừng năm ba phút. ...Vì tâm thức thay đổi quá nhanh chóng, ta nên thận trọng phân biệt tâm sở nào tốt, tâm sở nào quấy, mỗi khi chúng nổi lên, và nên cố gắng tập luyện nuôi dưỡng các tâm sở lành mạnh.
    (009.- Bằng cách nào tâm sở thiện và bất thiện trộn lẫn nhau?)

    Trả lờiXóa
  2. Nếu ai biết canh chừng tâm thức mình hằng ngày và điều phục cái tâm vô kỷ luât, khó trị nầy, thì cũng trong vài năm, sẽ trở nên một người có tinh thần cao thượng, đầy đủ tự trọng để kính nễ tự tâm. (011- Tâm có thể điều phục được)


    ngườì làm lành phải nên tập luyện để thúc liễm tâm thức mình ngay cả trong một hai ngày, hay chỉ trong một buổi sáng, để cho các tư tưởng bất thiện chẳng có dịp khởi lên. Nhờ thường thường thực tập thúc liễm tâm thức mà các ý tưởng xấu ác từ từ giảm bớt, để trở nên cao quí và có đức hạnh hơn, giúp cho sự phát triển tín tâm và trí huệ. Ác ý thường khởi lên khi trước, nay sẽ vắng bóng đi trong nhiều ngày.

    Tâm thức hướng dẫn thế giới.
    Tâm thức dẫn đạo thế giới.
    Chúng sanh phải tuân phục theo ý chí của tâm thức. (015- Một tấm gương tốt)

    Trả lờiXóa