Chết (maraṇa) là sự kết
thúc một mạng sống, sự chấm dứt mạng căn của một chúng sanh.
Chết là đề mục mà hành giả suy niệm ở đây nên lấy tình trạng chết
của đời sống con người, như vậy mới dễ động tâm hơn là nghĩ về cái chết của chư
thiên, phạm thiên v.v...
Phải niệm chết với tác ý trí tuệ, nghĩa là không nên tưởng đến cái
chết của người quá thân thương, vì sầu ưu sẽ sanh khởi, cũng không nên tưởng
đến cái chết của một người mình ghét, bởi vì sẽ khởi niềm hoan hỷ. Hành giả nên
tác ý đến cái chết của một người mà mình biết được họ sống tràn đầy hạnh phúc
hoặc có nhiều uy quyền ... tưởng nghĩ như vậy sẽ có một ý thức khẩn trương với
chánh niệm và trí tuệ, để rồi hành giả có thể niệm chết như là một phương tiện
chính đáng tu tập.
Cách tu tập: Một người muốn tu tập
pháp quán niệm này, hãy đi đến chỗ độc cư và ngồi lại hoặc kinh hành rồi tác ý
với trí tuệ như sau:
"Maraṇantaṃ jīvitaṃ, mạng sống chấm dứt bằng sự chết ... Marananantaṃ jīvitaṃ, mạng sống chấm dứt bằng sự chết ..."
Niệm như vậy một lúc, hành giả khởi tâm suy nghĩ đến một trong tám
sự kiện này:
Suy nghĩ sự chết như một tên sát nhân xuất hiện. Hành giả suy nghĩ
thấy mạng sống bị sự chết đe dọa, ví như có kẻ sát nhân đang cầm khí giới xuất
hiện và chuẩn bị giết chết mình. Quả thật, mạng sống rất mỏng manh. Đó là cách
nghĩ thứ nhất.
Suy nghĩ sự chết là một cuộc thất bại thảm hại. Hành giả suy nghĩ
thấy người sống trong đời dù có thành công trong sự nghiệp, địa vị, hạnh phúc
nhưng chắc chắn phải sụp đổ vì cái chết. Đó là cách nghĩ thứ hai.
Suy nghĩ sự chết bằng cách so sánh kết luận. Hành giả suy nghĩ đến
sự chết của những người có danh vọng lớn, người có đại phước, người dũng mãnh,
bậc đại thần thông, bậc đại trí tuệ, bậc Độc Giác, bậc Chánh Đẳng Giác. Những
bậc ấy mà cũng phải chết, thì sao ta thoát khỏi sự chết được. Đó là cách nghĩ
thứ ba.
Suy nghĩ sự chết theo cách ghi nhận thân này là chỗ cộng trú của
nhiều sinh vật. Hành giả suy xét trong thân này có tám mươi loại ký sinh trùng;
thân thể là chỗ sanh ra của chúng, là chỗ ở của chúng, là nghĩa địa của chúng,
thân này phải san sẻ cho chúng, khi chúng nổi loạn thì thân sẽ cảm thọ thống
khổ và có thể đi đến chết được. Đó là cách nghĩ thứ tư.
Suy nghĩ sự chết theo cách xét mạng sống mỏng manh. Hành giả suy
xét rằng mạng sống này chỉ dựa vào hơi thở, khi còn hơi thở ra thở vào thì mạng
sống còn; nếu hơi thở có ra mà không có vào, hoặc có hơi thở vào mà không có ra
thì chết. Đó là cách nghĩ thứ năm.
Suy nghĩ sự chết theo cách xét sự sống vô chừng không thể định
đoạt. Hành giả suy xét rằng mạng sống này không thể biết sống bao lâu sẽ chết
do nguyên nhân gì, sẽ chết ở đâu ... sự sống thật là bất định. Đó là cách nghĩ
thứ sáu
Suy nghĩ sự chết theo cách thấy mạng sống bị giới hạn thời gian.
Hành giả suy xét rằng mạng sống có giới hạn; có người sống lâu có người chết
yểu, nhưng nhất định phải có giới hạn, trên dưới một trăm năm thôi, mỗi ngày
trôi qua là tiến gần đến sự chết. Đó là cách nghĩ thứ bảy
Suy nghĩ sự chết theo cách nghĩ đến sự hoại diệt từng sát na. Hành
giả suy xét theo thực tính pháp thấy sự chết có trong từng sát na sanh diệt của
danh sắc. Đó là cách nghĩ thứ tám.
Với tám cách suy nghĩ này, hành giả nhớ được cách nào thì suy xét
theo đó sau mỗi lúc niệm "Chết".
Suy nghĩ để nhập tâm, rồi niệm tiếp tục: "Maraṇantaṃ jīvitaṃ ... maraṇantaṃ jīvitaṃ , mạng sống
chấm dứt bằng sự chết ... mạng sống chấm dứt bằng sự chết ..."
Một người chuyên tâm niệm sự chết, người ấy sẽ đạt được trạng thái
vô úy, không bối rối trước sự chết sắp xảy ra, người ấy sống không bám bíu vào
bất cứ sự vật gì ở đời, không bị cấu uế bởi lòng tham bốn vật dụng; vô thường
tướng dần dần phát triển trong tâm người ấy, và theo sau đó là tưởng về khổ và
vô ngã, nếu ngay trong hiện tại người ấy chưa đạt đến quả vị vô sanh, ít ra
cũng hướng đến một cõi tốt đẹp khi thân hoại mạng chung.
CƯ SĨ GIỚI PHÁP Tỳ kheo Giác Giới
(Bodhisīla Bhikkhu)
biên soạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét