13 thg 12, 2014

Không làm, hơn làm dở, Làm dở sau khổ đau

1) Rồi Thiên tử Tàyana, trước kia thuộc ngoại đạo sư, sau khi đêm gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên tử Tàyana nói lên bài kệ này trước Thế Tôn:
2)
Ôi này Bà-la-môn, 
Tinh tấn, cắt dòng nước,
Ðoạn trừ và tiêu diệt,
Mọi tham đắm dục vọng.
Ẩn sĩ không đoạn dục,
Không chứng được nhứt tâm.
Nếu làm việc phải làm,
Cần kiên trì, tinh tấn.
Xuất gia, nếu biếng nhác,
Càng tung vãi bụi trần.
Không làm, hơn làm dở,
Làm dở sau khổ đau.
Ðã làm nên làm tốt,
Làm tốt không khổ đau.
Như nắm vụng lá cỏ,
Có thể bị đứt tay.
Sa-môn hạnh vụng tu,
Kéo đến cõi địa ngục.
Mọi sở hành biếng nhác,
Mọi hạnh tu ô nhiễm,
Ác hạnh trong Phạm hạnh,
Không đưa đến quả lớn.

3) Thiên tử Tàyana nói như vậy. Sau khi nói xong, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ ấy.
4) Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã mãn, liền gọi các Tỷ-kheo.
5) -- Này các Tỷ-kheo, đêm nay Thiên tử Tàyana, trước kia thuộc ngoại đạo sư, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Ta, sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên tử Tàyana nói lên bài kệ này trước mặt Ta:
6)
"Ôi này Bà-la-môn 
Tinh tấn cắt dòng nước,
Ðoạn trừ và tiêu diệt,
Mọi tham đắm dục vọng.
Ẩn sĩ không đoạn dục,
Không chứng được nhứt tâm.
Nếu làm việc khó làm,
Cần kiên trì tinh tấn,
Xuất gia nếu biếng nhác,
Càng tung vãi bụi trần.
Không làm, hơn làm dở,
Làm dở sau khổ đau.
Ðã làm nên làm tốt,
Làm tốt không khổ đau.
Như nắm vụng lá cỏ,
Có thể bị đứt tay,
Sa-môn hạnh vụng tu,
Kéo đến cõi địa ngục.
Mọi sở hành biếng nhác,
Mọi hạnh tu ô nhiễm,
Ác hạnh trong Phạm hạnh,
Không đưa đến quả lớn."

7) Này các Tỷ-kheo, Thiên tử Tàyana nói như vậy. Nói vậy xong, đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta và biến mất tại chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy đọc bài kệ của Tàyana. Này các Tỷ-kheo, hãy học thuộc lòng bài kệ của Tàyana. Này các Tỷ-kheo, bài kệ của Tàyana có đầy đủ nghĩa lợi và chính là căn bản của Phạm hạnh.

(Kinh Tương Ưng, Tập 1, Chương I, Phẩm Thứ Nhất , VIII. Tàyana ) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét