Cuộc sống của con người đầy dẫy những điều khó khăn như vấn đề thức ăn, áo quần, chỗ ở, giao tiếp xã hội, quan hệ chính trị… Tuổi sống của con người ở trần gian nếu đem so sánh với tuổi sống ở cõi trời Chư Thiên và Phạm Thiên thì quá ngắn ngủi. Một trăm năm cho một đời người trên thế gian này chỉ bằng 1 giờ 30 phút trên cõi trời của Chư Thiên.
Mặc dù đời sống của con người ngắn ngủi và đầy dẫy những điều khó khăn. Tuy nhiên, họ vẫn có được cơ hội tốt đẹp để vun trồng phước báu và hoàn thiện các hạnh Ba-La-Mật. Đó là những điều quí báu sẽ dẫn dắt con người đến với trạng thái chấm dứt khổ đau và đạt tới Niết Bàn. Tất cả những vị Phật Toàn Giác, Độc giác và A-La-Hán đã đạt tới Niết Bàn là nhờ vào việc các vị ấy đã từng cố gắng tích luỹ, trau dồi các phẩm hạnh xứng đáng và các hạnh Ba-la-mật trên cõi trần gian này. Đó là lý do tại sao khi đang còn làm người, bạn phải biết cách xử dụng thời gian của mình sao cho ích lợi nhất. Nếu bạn muốn xử dụng thời gian của mình một cách lợi ích nhất thì bạn phải thực hành thiền minh sát. Thực hành thiền minh sát nghĩa là xử dụng quỹ thời gian mà mình có được theo cách tốt nhất và lợi ích nhất. Thực hành thiền minh sát đơn giản chỉ là thực hiện sự chú ý để dập tắt tham lam, sân hận và vọng tưởng ( nghĩ tưởng những điều hão huyền không có thật). Một mặt, bạn thực hành thiền minh sát là để tự giúp chính mình thoát khỏi địa ngục. Mặc khác là để gặt hái năng lực tập trung nội quán thuần thục ( Samādhi Ñāna – Maturity of concentration insight). Trạng thái nội quán này sẽ dẫn dắt bạn đến với Niết Bàn Cao Thượng. Vì vậy, 2 điều vừa nói là những trạng thái hiện hữu hoàn hảo nhất. Do đó, khi đang còn làm người, chúng ta phải thực hành thiền minh sát, bởi vì đó là lợi ích cao nhất của chúng ta. Thực hành thiền minh sát là một công việc vô cùng vi tế và khó khăn thuộc về tâm trí. Tuy nhiên, loại thiền này đã được chính Đức Phật thực hành và Ngài đã trao truyền phương pháp thực hành đó cho chúng ta với lòng trắc ẩn vô biên. Vì vậy, nếu thực hành đúng theo lời giáo huấn của Đức Phật, bạn sẽ gặt hái được những kinh nghiệm nội quán. Đến lúc ấy, bạn sẽ biết làm thế nào cho tâm trí của mình trở nên trầm tĩnh và vững vàng một cách khác thường. Chúng ta sẽ gặt hái được hạnh phúc với tư cách là con người bình thường, đang sống trên thế gian mà các loài khác đang tồn tại trên cõi trời không thể kinh qua. Đó là lý do tại sao, việc thực hành thiền minh sát là tối cần thiết và quan trọng cho một đời làm người của chúng ta. Bằng cách thực hành thiền minh sát, bạn sẽ trở nên dứt khoát hơn trong cuộc sống và không còn thái độ hoài nghi . Trí tuệ của bạn sẽ phát triển cao hơn, xa hơn khi thực hành loại thiền này và sẽ gặt hái được Chánh Đạo để có thể thoát khỏi địa ngục, luân hồi và khổ đau. Nhất định bạn sẽ đạt tới Niết Bàn đúng như lời ước nguyện của chính mình mỗi khi đang thực hiện những hành động xứng đáng. Ngoài ra không có con đường nào tốt hơn con đường thực hành thiền minh sát trong việc giúp cho bạn đắc thành Đạo quả và Niết Bàn. Trong việc thực hành thiền minh sát, bạn cần phải cố gắng khám phá được bản chất tự nhiên của những tiến trình thay đổi rất nhanh chóng đang xảy ra trong thân tâm của chính bạn. Chúng ta cần chú ý đến các hiện tượng của thân và tâm mình để nắm bắt được trạng thái thay đổi rất nhanh chóng của chúng theo 4 cách thức sau đây :
1. Kāyānupassanā Satipatthāna
- Chú ý để nhận biết mọi hoạt động của thân thể (To be mindful to know every bodily behaviour)
2. Vedanānupassanā Satipatthāna ( To be mindful to know the 3 type of sensation : Unpleasant, pleasant and neutral)
- Chú ý để nhận biết 3 loại cảm thọ ( tức cảm giác) : khổ thọ ( cảm giác khó chịu), lạc thọ ( cảm giác dễ chịu) vàthọ vô ký tính ( cảm giác không dễ chịu và cũng không khó chịu ).
3. Cittanupassanā Satipatthāna
- Chú ý để nhận biết những tiến trình thay đổi của tâm( To be mindful of the ever changing mental processes)
4. Dhammānupassanā Satipatthāna ( To be mindful of the remaining phenomena other than mentioned in the above three categories )
- Chú ý để nhận biết những hiện tượng còn lại khác trong tâm ngoài 3 loại cảm giác đã nêu trên ( khổ thọ, lạc thọ và thọ vô ký tính).
* Kāyānupassanā – Chú ý đến mọi hoạt động của thân thể ngay khi chúng ta đang : đi, đứng, nằm, ngồi, co duỗi tay chân… để nhận biết được lề lối hoạt động của chúng. Lúc mới tập quan sát, chúng ta không thể chú ý hết được tất cả mọi hoạt động của thân thể. Để phát triển khả năng định tâm hay khả năng tập trung chú ý, bạn phải ngồi để quan sát và trầm tư sâu lắng. Khi tọa thiền, bạn nên ngồi theo lối Kiết Già ( còn gọi là thế ngồi theo hình hoa sen hay thế ngồi theo hình Kim tự tháp) trong một thời gian rất lâu. Kiết già là một lối ngồi rất vững chãi và tốt nhất. Tuy nhiên, bạn cũng phải tập luyện một thời gian thì mới quen được với thế ngồi này. Trong thế ngồi này, bạn phải ngồi bắt tréo 2 chân lại với nhau. Đầu tiên là duỗi 2 chân ra trước, tiếp đến, kéo chân phải đặt lên vế trái, sau đó kéo chân trái đặt lên vế phải. Đầu và cột sống của bạn phải thẳng hàng khi ngồi Kiết già, 2 tay có thể đặt lên 2 đầu gối, nhưng tốt hơn là đặt lòng bàn tay này lên lòng bàn tay kia ( lưng của bàn tay phải đặt trên lòng bàn tay trái). Việc đặt 2 lòng bàn tay lên nhau có thể gây bất tiện cho một số người, bởi vì trong quá trình ngồi thiền 2 bàn tay sẽ bị nóng lên. Khi đang chú ý đến hơi thở vào ( chỉ chú ý quan sát một cách thuần túy chứ không dùng ý thức để can thiệp vào hơi thở như cố ý hít vào thật mạnh chẳng hạn), bạn cần phải nhận biết được tiến trình đang dần dần phồng lên của bụng bằng cách quan sát hoạt động bên trong của nó, không cần tư duy về hình dạng đang phồng lên của bụng mà chỉ chấp nhận nó như là một khái niệm
( Paññatti- concept). Bạn cũng phải chú ý một cách tích cực để nhận biết cách thức thực tế mà không khí đã đi từ bên ngoài vào trong bụng và làm cho bụng phồng lên như thế nào, bởi vì cách thức này chính là thực tại cùng tộthay chân lý tuyệt đối ( Paramatha – Ultimate reality). Khi hơi thở đang đi ra hay thoát ra khỏi cơ thể, bạn cũng phải chú ý đến tiến trình này ( chỉ chú ý quan sát một cách thuần túy chứ không dùng ý thức để can thiệp vào hơi thở như cố ý thở mạnh ra chẳng hạn). Bạn cần phải nhận biết được tiến trình đang xẹp xuống của bụng diễn ra như thế nào bằng cách quan sát hoạt động bên trong của nó. Bạn không cần để tâm đến hình dạng đang xẹp xuống của bụng mà chỉ chú ý đến chuyển động đang xẹp xuống của nó, để nhận biết được bản chất của chuyển động này một cách sâu sắc, bởi vì nó chính là thực tại ( Paramattha ). Khi năng lực tập trung chú ý đã phát triển đến một mức nào đó, bạn sẽ nhận thức được rằng, tiến trình đang phồng xẹp lên xuống của bụng là thuần túy thuộc về thân thể ( tức vật chất). Nó hoàn toàn tách bạch với sự chú ý của tâm trí. Sự hiểu biết này là trạng thái nhận thức bằng trực giác bản chất của sắc pháp ( tức vật chất - Rūpa / matter) và danh pháp ( tức tinh thần – Nāma / Spirits). Nói cách khác, sắc pháp và danh pháp là 2 phạm trù tách bạch chứ không phải là đồng nhất. Khoảng cách giữa tiến trình đang phồng xẹp lên xuống của bụng và sự chú ý của tâm trí trong thực tế là có thật. Hai phạm trù này không phải là một thực thể đồng nhất, bởi vì ở giữa chúng vẫn còn có một khoảng cách cực kỳ vi tế. Nếu duy trì sự chú ý lên tiến trình đang phồng xẹp lên xuống của bụng thì bạn sẽ khám phá ra rằng, có một nguyên nhân đã tác động lên những tiến trình này. Nguyên nhân tác động đó dĩ nhiên là có trước hiện tượng đang phồng xẹp lên xuống của bụng mà chúng ta đang chú ý để quan sát. Sau đó, khi năng lực định tâm đã đủ mạnh so với mức cần thiết, bạn sẽ có khả năng lãnh hội được thế nào là vô thường, khổ và vô ngã. Bạn sẽ nhận thức được rằng, tiến trình của những hiện tượng khởi lên và tan biến đi trong thân tâm của chính mình là đang xảy ra với một tốc độ khủng khiếp, ngoài sức tưởng tượng của một người bình thường. Nói cách khác, bạn sẽ trải nghiệm được rằng, những hoạt động thuộc về thân thể của chính mình như việc đi, đứng, nằm, ngồi và co duỗi tay chân…đang khởi lên và tan biến đi một cách gần như ngay lập tức ngay sau khi đã khởi lên. Khi đã có khả năng quan sát chúng với một năng lực tập trung tâm ý thích hợp, bạn sẽ nhận thấy được điều vừa nói. Sau khi đã nhận thức được trạng thái xuất hiện và tan biến đi của những hoạt động thuộc về thân thể như : Đi, đứng, nằm, ngồi, co duỗi tay chân… Bạn sẽ có khả năng chú ý để nhận biết những cảm thọ. Khi chú ý đến những cảm thọ bằng một tâm trí tỉnh giác, bạn sẽ nhận thức được chúng đang khởi lên và tan biến đi như thế nào. Khi chú ý đến trạng thái đang nhìn, nghe, ngửi…thì bạn sẽ khám phá được bản chất của cách thức mà những tiến trình này đã khởi lên và tan biến đi. Bạn sẽ trải nghiệm được một niềm hạnh phúc đáng kể mà không một người bình thường nào hay một vị Chư Thiên nào có thể có được. Khi thường xuyên thực hành sự chú ý liên tục, nội tâm sẽ từng bước phát triển và bạn sẽ gặt hái được Đạo quả Tu-Đà-Hườn, tức đã nhập vào giòng sông giác ngộ hay Chánh Đạo dẫn đến Niết Bàn. Đến lúc đó, những nghiệp xấu có nguồn gốc từ vô số những hành động xấu xa mà bạn đã thực hiện trong quá khứ đáng ra sẽ dẫn dắt bạn xuống địa ngục thì nay chúng đã bị dập tắt hoàn toàn. Kể từ lúc đắc được quả Tu-Đà-Hườn trở đi, bạn sẽ không còn bị nghiệp mới tác động nữa. Do đó, bạn đã hoàn toàn thoát khỏi những nghiệp xấu. Khi qua đời, bạn sẽ không còn một thái độ nghi ngại nào nữa. Bạn sẽ không còn bị tái sanh vào những cảnh giới khổ đau của địa ngục hay súc sanh, không còn bị tái sanh vào những hoàn cảnh sầu khổ, bẩn thỉu và xấu xa . Bạn sẽ có khả năng đi xuyên qua chu trình của cuộc sống một cách mạnh mẽ. Nếu một Tu-Đà- Hườn đã nhận thức được Niết Bàn bằng Chánh Đạo nhưng chưa đạt tới được Niết Bàn, vị ấy sẽ được hạnh phúc trong những kiếp tái sanh và có thể quên việc thực hành thiền minh sát trong 7 kiếp sống là tối đa. Sau 7 kiếp tái sanh, vị Tu-Đà-Hườn này sẽ trở nên hối hận và trở lại thực hành thiền minh sát để đạt tới Niết Bàn như một A-La-Hán. Thậm chí, khi đang hạnh phúc trong những kiếp tái sanh, một vị Tu-Đà-Hườn chắn chắn sẽ không hài lòng với cuộc sống thế gian. Hạnh phúc chủ yếu của vị này khi tái sanh trong kiếp sống làm người là thực hành bố thí, giữ giới và thực hành thiền. Đau khổ vì tuổi già, bệnh tật, cái chết, buồn khổ và than khóc trong những kiếp sống tái sanh đối với một vị Tu-Đà-Hườn đã trở thành ít ỏi như bụi trên móng tay của Đức Phật. Một thời Đức Phật đang trú tại tịnh xá Kỳ-Viên ở Xá Vệ. Vào lúc đó, các vị Tỳ kheo đã tập trung lại để nghe Đức Phật thuyết Pháp. Vì không có nhiều thời gian, Đức Phật tiến lại gần các Tỳ Kheo, Ngài bốc một ít bụi trên mặt đất rồi đặt chúng lên móng tay của mình và hỏi : “ Này các Tỳ Kheo ! Bụi trên móng tay của ta đây nếu đem so sánh với bụi trên toàn trái đất này thì bụi ở đâu nhiều hơn ? Các Tỳ Kheo đã trả lời : “ Bạch Giáo Chủ ! Bụi trên móng tay của Ngài ít hơn nhiều so với bụi trên toàn trái đất này. Bụi trên toàn trái đất này là nhiều vô kể và không thể đếm được”. Khi nghe các Tỳ Kheo trả lời như thế, Đức Phật đã nói : “ Này các Tỳ Kheo ! Các đệ tử của ta nhiều như bụi trên toàn trái đất này, nhưng số người chịu khó thực hành thiền minh sát để trở thành Tu-Đà-Hườn thì có thể so sánh với bụi trên móng tay của ta đây. Số người còn lại phải chịu đau khổ trong luân hồi vì tuổi già, bệnh tật, cái chết, buồn lo, bị sinh vào những hoàn cảnh bẩn thỉu, xấu xa và nghiệp ác đầy đọa… có thể ví như số bụi trên toàn trái đất này. Vì vậy, Đấng Toàn Giác đã thuyết rằng, do có thực hành thiền minh sát và thành công trong bước đầu, một vị Tu-Đà-Hườn đã loại bỏ được khổ đau và gặt hái hạnh phúc. Đó là lý do tại sao, bạn nên xử dụng thời gian của mình sao cho ích lợi nhất, tức phải thực hành thiền minh sát khi đang còn sống trong kiếp người.
Trích từ:
Pháp Như Ý (Tập 1)
Ngài Trưởng Lão Tăng Thống Mahāsī
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét