SỰ BÌNH AN KHÔNG GÌ LAY CHUYỂN
Thiền sư Ajhan Cha
Người dịch: Sư Tâm Pháp
Một
bài pháp thiền sư Ajhan Cha thuyết cho một vị sư chuyên nghiên cứu pháp học và
nhóm Phật tử tại chùa Wat Pah Pong trong những năm 1960.
Toàn
bộ mục đích của việc nghiên cứu Phật Pháp là để tìm con
đường giải thoát khổ, đạt đến hạnh phúc và bình an. Dù chúng ta nghiên cứu các
hiện tượng thân hay tâm, tâm vương (citta) hay tâm sở (cetasikā), chỉ khi lấy sự
giải thoát khổ làm mục đích cuối cùng thì chúng ta mới ở trên con đường chánh –
không gì khác. Khổ có mặt là bởi vì có nhân, có duyên để nó tồn tại.
Hãy
hiểu thật rõ rằng khi tâm tĩnh lặng, nó ở trạng thái tự nhiên, bình thường.
Ngay khi tâm chuyển động, nó trở thành các hành (sankhāra), bị ràng buộc (bị tạo
nên bởi các điều kiện, nhân tố khác nhau). Khi tâm bị thu hút bởi một đối tượng
nào đó, nó bị ràng buộc, bị tạo thành bởi các điều kiện. Khi sân hận khởi nên,
nó bị ràng buộc. Ý muốn đi chỗ này chỗ kia sanh khởi từ việc bị ràng buộc.
Chánh niệm của chúng ta không theo kịp được sự sinh sôi của tâm khi chúng diễn
ra, tâm đuổi theo chúng và bị chúng trói buộc. Bất cứ khi nào tâm chuyển động,
ngay lúc đó, nó trở thành một thực tại chế định.
Vì
vậy, Đức Phật dạy chúng ta quán chiếu những điều kiện cấu tạo, thường biến chuyển
này của tâm mình. Mỗi khi tâm chuyển động, nó trở nên không bền vững và vô thường
(anicca), khổ (dukkha), vô ngã (anattā). Đây là những đặc tính luôn có của tất
cả mọi sự vật, hiện tượng bị tạo nên bởi các điều kiện. Đức Phật dạy chúng ta
quan sát và quán chiếu những chuyển động này của tâm.
Giáo
lý về 12 nhân duyên (sự sanh khởi tùy thuộc vào nhân duyên- paticca
samuppāda) cũng như vậy: vô minh (avijjā) là nhân duyên cho sự sanh khởi của
các hành (sankhāra); hành là nhân duyên sanh thức (viññāna); thức là nhân duyên
sanh khởi danh-sắc (nāma-rūpa), v.v...như chúng ta nghiên cứu trong kinh điển.
Đức Phật tách rời từng mắt xích trong chuỗi nhân duyên ấy để dễ nghiên cứu. Đó
là sự diễn tả chính xác và chi tiết về thực tại, nhưng khi tiến trình này thực sự
xảy ra trong cuộc sống thực tế, các học giả không thể theo được những gì đang
diễn ra. Nó giống khi bạn bị rơi từ ngọn cây xuống đất. Chúng ta chịu không thể
biết mình đã rơi qua bao nhiêu cành cây. Tương tự như vậy, khi tâm bất ngờ tiếp
nhận một tác động giác quan, nếu thích, nó lập tức bay bổng vào một tâm trạng tốt.
Nó cho cái đó là tốt mà không hề ý thức được cả một chuỗi nhân duyên đã dẫn đến
đó. Tiến trình diễn ra đúng theo lý thuyết, nhưng ngay lập tức cũng vượt ra
ngoài giới hạn của lý thuyết ấy.
Chẳng
có cái gì tuyên bố lên: “Đây là vô minh đấy. Đây là hành đấy, thức đấy”. Tiến
trình không cho nhà học giả cơ hội để đọc danh sách khi nó đang diễn ra. Mặc dù
Đức Phật phân tích và diễn giải trình tự của tiến trình tâm đến tận chi tiết nhỏ
nhất, đối với tôi, nó cũng giống như rơi từ trên cây xuống. Khi rơi xuống, chẳng
có cơ hội nào để mà ước lượng mình đã rơi được bao nhiêu mét, bao nhiêu cm. Cái
chúng ta biết chỉ là rơi bịch một cái xuống đất và đau điếng người.
Tâm
cũng y hệt như vậy. Khi nó đổ vỡ vì một cái gì đó, cái chúng ta ý thức được chỉ
là nỗi đau. Tất cả những nỗi khổ, đau đớn, u sầu và thất vọng ấy đến từ đâu? Nó
không đến từ mớ lý thuyết trong sách vở. Chẳng có chỗ nào ghi lại chi tiết nỗi
khổ của chúng ta cả. Cái khổ của chúng ta sẽ không hoàn toàn chính xác như
trong lý thuyết, nhưng cả hai đều đi trên cùng một con đường. Vì vậy, chỉ mỗi
lý thuyết thì không thể theo kịp thực tế. Chính vì lý do đó mà Đức Phật dạy
chúng ta phát triển sự hiểu biết rõ ràng về chính bản thân mình. Bất cứ cái gì
sanh khởi, nó sanh khởi trong cái biết này. Những cái mà nó biết, nó biết đúng
theo chân lý, khi đó tâm và các thành phần của nó (tâm sở) sẽ được nhận diện là
không phải của ta. Cuối cùng tất cả chúng đều bị ta từ bỏ và vứt đi như rác.
Chúng ta không nên bám víu lấy nó hay cho nó bất cứ ý nghĩa gì.
Lý
thuyết và thực tế
Đức
Phật không dạy chúng ta về tâm và tâm sở để ta bám víu vào các khái niệm ấy. Ý
định duy nhất của Ngài là để chúng ta nhìn rõ thấy chúng là vô thường, khổ và
vô ngã. Rồi từ bỏ. Gạt nó qua một bên. Chánh niệm và biết nó mỗi khi nó sanh khởi.
Tâm chúng ta vốn bị ràng buộc, bị tạo thành bởi các nhân tố và điều kiện. Nó đã
bị rèn luyện để quay lưng lại và bật ra khỏi trạng thái thuần túy hay biết (ghi
nhận thuần túy). Khi tâm quay cuồng và bật ra khỏi trạng thái ấy, nó tạo ra
thêm những nhân tố và điều kiện mới nữa để tiếp tục tác động đến tâm, và cứ
nhân rộng lên như thế mãi. Tiến trình ấy đẻ ra điều tốt, cái xấu, và tất cả mọi
thứ trên đời. Đức Phật dạy chúng ta từ bỏ tất cả. Tuy nhiên, lúc đầu bạn phải
làm quyen với lý thuyết để có thể từ bỏ chúng hoàn toàn trong giai đoạn sau. Đó
là một tiến trình tự nhiên. Tâm hoạt động theo cách đó. Các tâm sở (thành phần
của tâm) cũng hoạt động theo cách đó.
Hãy
lấy Bát Chánh Đạo (con đường thánh đạo 8 ngành) làm ví dụ. Khi trí tuệ (paññā)
nhìn nhận mọi sự một cách đúng đắn bằng tuệ giác, cái nhìn đúng đắn (chánh kiến)
này sẽ dẫn đến suy nghĩ và tác ý đúng đắn (chánh tư duy), lời nói đúng đắn
(chánh ngữ), hành động đúng đắn (chánh nghiệp)...Tất cả điều này đều có liên
quan đến các yếu tố tâm lý, được sanh khởi từ chánh niệm thuần túy[1]. Chánh niệm và
cái biết này giống như ngọn đèn hắt chiếu sáng con đường giữa bóng đêm. Nếu cái
biết đúng, thuận theo chân lý, nó sẽ lần lượt chiếu sáng từng bước đi trên con
đường.
Bất
cứ cái gì chúng ta ý thức và kinh nghiệm được, nó đều sanh khởi từ trong cái biết
này. Không có tâm thì cũng thể có cái biết ấy. Tất cả là các hoạt động của
tâm. Như Đức Phật nói, tâm vốn chỉ là tâm: nó không phải là một con người
hay một chúng sinh nào cả, không phải cái tôi, không phải là bản thân mình; nó
chẳng phải là chúng ta hay bọn họ. Pháp chỉ đơn giản là Pháp[2]. Nó là một tiến
trình tự nhiên, không thuộc về ai cả. Nó không thuộc về chúng ta hay bất cứ ai
trên đời. Nó cũng chẳng là một sự vật nữa. Bất cứ cái gì con người ý thức được,
tất cả đều nằm trong 5 nhóm hợp thành mà ta vẫn gọi là ta, là của ta (ngũ uẩn-khandhas):
thân, cảm giác, nhận thức, suy nghĩ-tác ý, và sự nhận biết (sắc, thọ, tưởng,
hành, thức)[3]. Đức Phật dạy
chúng ta hãy từ bỏ tất cả.
Thiền
tập giống như một khúc gỗ. Thiền quán (vipassanā-hay còn gọi là thiền tuệ, thiền
minh sát) là một đầu, thiền chỉ (samatha-hay còn gọi là thiền định) là đầu kia.
Nếu chúng ta cầm thanh gỗ lên, thì chỉ một đầu lên hay cả hai đầu lên? Khi cầm
khúc gỗ, cả hai đầu cùng lên. Vậy khi đó phần nào là thiền quán, phần nào là
thiền chỉ? Chỗ nào là nơi kết thúc của phần này và bắt đầu của phần kia? Cả hai
phần ấy đều chỉ là tâm. Khi tâm bình an, ban đầu an lạc khởi lên từ sự vắng lặng
của thiền chỉ. Chúng ta tập trung và gom tâm vào một trạng thái an lạc của định
(samādhi). Tuy nhiên, khi sự an lạc và tĩnh lặng của định tan dần, cái khổ sẽ
sanh khởi ngay chỗ ấy. Vì sao vậy? Bởi vì sự an lạc từ thiền chỉ vẫn dựa trên sự
dính mắc. Sự dính mắc này là nguyên nhân của khổ. Tĩnh lặng không phải là điểm
cuối của đường đạo. Đức Phật đã nhìn ra từ kinh nghiệm của chính bản thân rằng
sự an lạc ấy không phải là đích đến cuối cùng. Nguyên nhân của sự hiện hữu các
kiếp sống (bhava) vẫn chưa bị đoạn diệt (nirodha). Những điều kiện cho sự tái
sanh vẫn còn tồn tại. Công việc tâm linh của ngài vẫn chưa đạt đến chỗ hoàn hảo.
Vì sao? Bởi vì ở đó vẫn còn khổ. Dựa trên sự tĩnh lặng của thiền chỉ, ngài tiếp
tục quán chiếu, thẩm xét và phân tích bản chất thực tại vốn bị tạo thành bởi
các điều kiện cho đến khi giải thoát hoàn toàn khỏi mọi trói buộc và dính mắc,
kể cả dính mắc vào tĩnh lặng. Tĩnh lặng vẫn là một phần của thế giới bị tạo thành
và của thực tại thông thường. Dính mắc vào loại an lạc này là dính mắc vào thực
tại thông thường, và khi còn dính mắc, chúng ta còn bị cuốn đi trong luân hồi
và tái sanh. Ham thích sự an lạc của thiền chỉ vẫn dẫn đến sự tái sanh và luân
hồi nữa. Khi sự bất an và xáo động lắng xuống, con người ta lại thường bám víu
vào sự bình an.
Đức
Phật quán xét các nguyên nhân và điều kiện hình thành nên kiếp sống và sự tái
sanh. Khi chưa hoàn toàn xuyên thấu vấn đề và hiểu sự thật, ngài vẫn tiếp tục
tìm hiểu ngày càng sâu hơn với một nội tâm tĩnh lặng, quán xét xem mọi thứ, dù
bình an hay không, trở thành hiện hữu như thế nào. Sự quán chiếu ấy tiếp tục
cho đến khi ngài thấy rõ ràng mọi thứ đang trở thành hiện hữu giống như một khối
sắt nung đỏ. Năm nhóm hợp thành một chúng sanh (khandhas -ngũ uẩn) chỉ là một
khối sắt nóng đỏ. Khi một khối sắt đang nóng đỏ, có chỗ nào đụng vào mà không bị
bỏng hay không? Ở đó có chỗ nào mát hay không? Hãy thử đụng vào phía trên, bên
dưới, bên cạnh khối sắt ấy xem sao. Có chỗ nào mát không? Không thể. Khối sắt ấy
nóng đỏ tất cả mọi chỗ. Chúng ta thậm chí cũng không thể dính mắc vào sự an lạc
và tĩnh lặng. Nếu chúng ta tự đồng hóa với sự an lạc ấy, cho rằng có người đang
bình an và tĩnh lặng, chính điều này củng cố thêm cảm giác rằng có một cái tôi
hay một linh hồn độc lập nào đó. Cảm giác về cái tôi đó là một phần của thực tại
thông thường. Cứ suy nghĩ: “Tôi đang bình an”, “Tôi đang xáo động”, “Tôi tốt”,
“Tôi xấu”, “Tôi hạnh phúc”, “Tôi đau khổ”, chúng ta sẽ còn bị mắc kẹt trong tái
sanh và luân hồi nữa. Và càng đau khổ nữa. Khi sự an lạc mất đi, chúng ta sẽ
đau khổ vì điều ấy. Khi cái buồn, cái khổ hết, chúng ta lại hạnh phúc. Bị kẹt
trong cái vòng luẩn quẩn vô tận ấy, chúng ta cứ luân chuyển qua lại giữa cõi trời
và địa ngục.
Trước
khi giác ngộ, Đức Phật đã nhận ra được điều này trong tâm mình. Ngài biết rằng
các nhân gây tái sanh và hiện hữu vẫn còn chưa hết. Công việc của ngài còn chưa
làm xong. Quán chiếu nhân duyên của kiếp sống, ngài thấy ra bản chất của nó: “Bởi
vì có nhân này nên có tái sanh, bởi vì có tái sanh nên có chết, và cứ như thế
luân hồi mãi”. Đức Phật quán chiếu đề mục ấy để hiểu sự thật về ngũ uẩn. Tất cả
mọi thứ trong thân và tâm, tất cả mọi thứ được ta nhận biết và suy nghĩ, không
trừ một ngoại lệ nào, đều bị tạo thành bởi các điều kiện và nhân tố khác. Khi
đã hiểu được điều này, ngài dạy chúng ta hãy đặt nó xuống. Khi đã hiểu được điều
này, ngài dạy chúng ta hãy từ bỏ tất cả chúng. Ngài khích lệ người khác hiểu
theo đúng sự thật ấy. Nếu không hiểu đúng, chúng ta sẽ đau khổ. Chúng ta sẽ
không thể buông bỏ được những thứ ấy. Nhưng khi đã thấy sự thật của vấn đề,
chúng ta sẽ nhận ra chúng lừa đảo mình như thế nào.
Đức
Phật dạy tâm chúng ta không phải là một thực thể nào; nó chẳng là một cái gì cả.
Tâm không phải sinh ra để thuộc về một ai hết. Nó cũng không chết đi như của một
người nào. Cái tâm này tự do, tỏa sáng và không bị trói buộc bởi bất cứ vấn đề
gì. Lý do rắc rối khởi sanh là vì tâm bị che khuất bởi các sự việc do nhân
duyên tạo thành, bị che khuất bởi ảo tưởng về một cái tôi. Vì vậy, Đức Phật dạy
chúng ta hãy quan sát tâm mình. Lúc đầu ở đó có cái gì? Thực sự chẳng có gì cả.
Nó không sanh khởi với các sự việc do nhân duyên tạo, và nó cũng chẳng chết đi
với chúng. Khi tâm tiếp xúc với điều tốt, nó không biến thành tốt. Khi gặp điều
xấu, nó cũng chẳng trở thành xấu. Đó là cách mọi việc diễn ra khi tâm có tuệ
giác rõ ràng về bản chất của chúng ta. Khi đó, có một hiểu biết rằng thực ra
trong nó chẳng có chút thực chất nào.
Tuệ
giác của Đức Phật thấy rõ tất cả chúng chỉ là vô thường, khổ, vô ngã. Ngài muốn
chúng ta cũng thực sự hiểu được theo cách đó. Cái biết khi đó sẽ biết đúng theo
sự thật. Khi nó biết hạnh phúc hay đau khổ, nó vẫn không chao động. Cảm xúc hạnh
phúc chỉ là một dạng của sự sinh. Xu hướng buồn khổ là một dạng của cái chết.
Có chết thì có sinh, có sinh thì có tử. Cái sinh và diệt ấy bị kẹt trong cái
vòng vô tận của sự sinh ra và trở thành. Tâm thiền sinh đã đạt đến sự hiểu biết
này sẽ không còn chút nghi ngờ nào về sinh tử nữa. Chẳng cần phải hỏi bất cứ ai
cả.
Đức
Phật quán chiếu toàn diện các pháp do nhân duyên tạo thành và vì vậy đã từ bỏ tất
cả chúng. 5 nhóm hợp thành (ngũ uẩn) bị từ bỏ, và cái biết được duy trì chỉ như
là một người quan sát khách quan với tiến trình. Khi cảm nhận điều gì tích cực,
ngài không vì thế mà trở thành tích cực cùng với nó. Ngài chỉ đơn giản quan sát
và tỉnh thức. Khi gặp phải điều tiêu cực, ngài không trở thành tiêu cực theo. Tại
sao thế? Bởi vì tâm ngài đã cắt bỏ và giải thoát khỏi những nguyên nhân và điều
kiện đó. Ngài thể nhập vào sự thật. Những nhân tố và điều kiện dẫn đến tái sinh
đã không còn nữa. Đó là cái biết chắc chắn và tin cậy. Đó là cái tâm thực sự
bình an và hạnh phúc. Đó là cái không sinh, không già, không bệnh, không chết.
Chẳng phải là nhân hay duyên, không còn phụ thuộc nhân duyên nữa. Nó không còn
phụ thuộc vào quy luật nhân quả nữa. Các nhân sẽ diệt tận mà không còn tạo thêm
nhân mới. Cái tâm đó đã vượt qua sinh tử, đứng trên hạnh phúc và đau khổ, vượt
ra ngoài cả thiện ác. Bạn có thể nói gì bây giờ? Nó nằm ngoài giới hạn của ngôn
từ để diễn tả. Tất cả mọi nhân duyên tạo thành đã diệt, và bất cứ cố gắng nào để
diễn tả điều đó chỉ dẫn đến dính mắc (vào khái niệm, ngôn từ) mà thôi. Ngôn từ
được sử dụng để diễn tả sẽ chỉ là lý thuyết.
Sự
diễn tả trên lý thuyết về tâm và sự hoạt động của tâm thì rất chính xác, nhưng
Đức Phật nhận thấy rằng loại kiến thức này đa phần là vô ích. Chúng ta hiểu một
cái gì đó trên lý thuyết và rồi tin vào nó, nhưng nó chẳng có lợi ích thực sự
nào cả. Nó chẳng dẫn đến sự bình an cho tâm. Sự hiểu biết của Đức Phật mới
dẫn đến sự từ bỏ. Kết quả là sự xuất ly và buông bỏ. Bởi vì chính tâm là cái dẫn
chúng ta dính líu vào cái đúng cái sai. Nếu là người có trí, chúng ta sẽ dính với
điều đúng. Nếu ngu ngốc, chúng ta đi với cái sai. Một cái tâm như vậy là tâm
phàm của thế gian, Đức Phật sử dụng chính những cái trong thế gian này để quán
chiếu thế gian. Khi đã hiểu được thế gian này như nó thực sự đang là, ngài được
gọi là bậc hiểu hiểu biết thế gian (lokavidū).
Đối
với thiền chỉ (samatha) và thiền quán (vipassanā), điều quan trọng là phải phát
triển các phẩm chất ấy trong chính tâm mình. Chỉ khi thực sự tu tập để phát triển
nó thì chúng ta mới biết nó thực sự là gì. Chúng ta đi mà nghiên cứu những gì
sách vở nói về các tâm sở, nhưng loại kiến thức sách vở ấy vô ích trong việc cắt
đứt tham, sân, si, ích kỷ. Chúng ta chỉ nghiên cứu lý thuyết về tham, sân, si,
chỉ là diễn tả những tính chất khác nhau của phiền não: “tham có nghĩa thế này,
sân có nghĩa thế kia, si được định nghĩa thế nọ”. Chỉ biết các tính chất của
chúng trên lý thuyết, chúng ta chỉ có thể nói về chúng ở mức độ lý thuyết ấy.
Chúng ta biết, và chúng ta thông minh, nhưng khi những phiền não đó thực sự có
mặt trong tâm, chúng có phù hợp với lý thuyết hay không? Chẳng hạn, khi gặp việc
không như ý, chúng ta có phản ứng và khó chịu hay không? Chúng ta có dính mắc
không? Chúng ta có thể buông bỏ được không? Khi có sân khởi lên, chúng ta nhận
ra nó thì có dính với nó hay không? Hay khi thấy nó là chúng ta buông bỏ? Khi
thấy cái gì chúng ta không thích, mà vẫn giữ sự khó chịu ấy ở trong tâm, thì tốt
hơn hết là hãy trở về mà học lại bài đi. Bởi vì nó vẫn chưa đúng. Sự thực hành
vẫn chưa hoàn hảo. Khi đến độ hoàn hảo, sự buông bỏ sẽ lập tức diễn ra. Hãy
nhìn sự việc theo cách ấy.
Chúng
ta phải thực sự nhìn sâu vào tâm mình nếu muốn được hưởng thành quả của pháp
hành. Chỉ cố gắng diễn tả tâm với các sát na tiến trình tâm và các tính chất của
nó, theo tôi nghĩ, thì chưa thực hành đủ. Còn rất nhiều việc phải làm nữa. Nếu
chúng ta nghiên cứu những điều đó, chúng ta phải biết chúng hoàn toàn đầy đủ,
hiểu biết rõ ràng và xuyên thấu. Không có tuệ giác rõ ràng, làm sao chúng ta
hoàn thành xong công việc? Không bao giờ. Chúng ta không bao giờ nghiên cứu
xong.
Vì
vậy, thực hành pháp là cực kỳ quan trọng. Thực hành là cách tôi học hỏi và
nghiên cứu. Tôi chẳng biết tý gì về các sát na tiến trình tâm hay các tâm sở cả.
Tôi chỉ quan sát chất lượng của cái biết, của chánh niệm. Nếu một suy nghĩ sân
hận sanh khởi, tôi hỏi bản thân mình: tại sao. Một suy nghĩ từ bi sanh khởi,
tôi tự hỏi mình: tại sao. Gọi nó là một suy nghĩ hay một tâm sở thì có gì khác
nhau? Chỉ nhìn thấu vào một điểm ấy thôi cho đến khi bạn có thể giải quyết những
cảm xúc yêu ghét đó, cho đến khi chúng hoàn toàn biến mất khỏi tâm mình. Khi có
thể dừng lại mọi yêu ghét, cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, thì khi đó tôi mới có
thể vượt ra khỏi đau khổ. Khi đó, cho dù bất cứ cái gì xảy đến, tâm vẫn luôn an
lạc, thỏa mái và nhẹ nhõm. Chẳng có gì còn sót lại. Tất cả đã chấm dứt.
Hãy
thực hành như thế. Nếu mọi người muốn nói nhiều về lý thuyết, đó là việc của họ.
Nhưng dù cho đàm luận nhiều đến đâu chăng nữa, pháp hành luôn phải quay lại một
điểm duy nhất ở đây. Khi cái gì đó sanh khởi, nó sanh khởi ngay tại đây. Nhiều
hay ít, nó cũng sanh lên ở ngay đây. Khi diệt mất, nó diệt ở ngay tại đây. Còn
nơi nào khác nữa? Đức Phật gọi điểm ấy là “cái biết” (chánh niệm). Khi nó hiểu
chính xác cách thức mọi việc diễn ra, đúng theo sự thật, chúng ta sẽ hiểu được
ý nghĩa của tâm. Mọi thứ đều không ngừng lừa dối. Khi bạn nghiên cứu chúng,
chúng lừa đảo bạn ngay lập tức. Làm sao tôi có thể nói khác được? Ngay cả khi bạn
biết về chúng, bạn vẫn bị chúng bịt mắt, chính ngay tại chỗ bạn biết. Đó là thực
tế. Vấn đề là ở chỗ: theo tôi, Đức Phật không có ý nói rằng chúng ta chỉ biết
những thứ đó được gọi là gì; mục đích những lời Đức Phật dạy là chỉ ra con đường
tự giải thoát chúng ta ra khỏi những thứ đó, bằng cách tìm hiểu những nguyên
nhân đằng sau nó.
Giới,
định và tuệ
Tôi
thực hành Pháp mà không hiểu biết nhiều về lý thuyết. Tôi chỉ biết rằng con đường
giải thoát bắt đầu bằng giới (sīla). Giới là đoạn khởi đầu tốt đẹp của con đường;
định tâm sâu sắc (samādhi) là cái đẹp ở đoạn giữa; tuệ (paññā) là cái đẹp ở đoạn
cuối. Mặc dù chúng có thể được phân chia thành 3 phần riêng biệt của pháp hành,
nhưng khi nhìn vào chúng thật sâu sắc, cả ba phẩm chất tâm này đều hợp nhất làm
một. Để giữ giới bạn phải có trí tuệ. Chúng ta thường khuyên mọi người tu tập
giới bằng cách giữ 5 giới[4] để củng cố
giới hạnh vững chắc. Tuy nhiên, để đạt được sự hoàn hảo về giới hạnh cần phải
có rất nhiều trí tuệ. Chúng ta phải xem xét mọi lời nói và hành động của mình, và
phân tích những hậu quả của nó. Tất cả đều là công việc của trí tuệ. Chúng ta
phải dựa vào trí tuệ để tu tập giới.
Theo
lý thuyết, giới đi trước rồi đến định và tuệ, nhưng sau khi xem xét, tôi phát
hiện ra trí tuệ là hòn đá tảng cho tất cả mọi mặt của pháp hành. Để hoàn toàn nắm
bắt được hậu quả của những gì mình nói hay làm, nhất là những hậu quả xấu,
chúng ta cần có trí tuệ để dẫn đường và giám sát, phân tích tìm hiểu sự vận
hành của nhân và quả. Điều đó sẽ làm thanh lọc lời nói và hành động của chúng
ta. Khi đã biết rõ những hành vi thiện và bất thiện, chúng ta sẽ thấy ra được
chỗ để tu. Khi đó chúng ta sẽ từ bỏ những việc bất thiện và phát triển việc thiện,
từ bỏ cái sai, tu tập cái đúng. Đó chính là giới. Khi thực hành như vậy, tâm
chúng ta sẽ ngày càng vững vàng, ổn định. Một cái tâm ổn định, không lay động sẽ
được giải thoát khỏi hối hận, tiếc nuối, và mơ hồ trong lời nói và hành động.
Đó chính là định.
Một
cái tâm ổn định và chú tâm sẽ tạo ra nguồn năng lượng thứ hai, mạnh mẽ hơn để sử
dụng trong việc thực hành pháp, cho phép chúng ta quán chiếu sâu sắc hơn về
hình ảnh, âm thanh...mọi thứ mà chúng ta cảm nhận qua các giác quan. Khi tâm đã
thiết lập được sự bình an và chánh niệm không lay động, chúng ta có thể bắt tay
vào việc quán chiếu, tìm hiểu liên tục thực tại của thân, cảm giác và cảm xúc,
nhận thức, suy nghĩ, tâm nhận biết, các hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, cảm giác
và các đối tượng trong tâm. Chúng liên tục khởi sanh, và chúng ta cũng liên tục
quán chiếu với sự quyết tâm thực lòng không để mất chánh niệm. Khi đó chúng ta
sẽ hiểu được những thứ đó thực sự là gì. Chúng có mặt đúng theo sự thật tự
nhiên của chúng. Khi hiểu biết này ngày càng tăng trưởng vững chắc, trí tuệ sẽ
sanh khởi. Một khi đã thấu hiểu cách mọi thứ thực sự là, những ảo tưởng cũ của
chúng ta sẽ bị nhổ bật, và những kiến thức lý thuyết mang đầy khái niệm của
chúng ta sẽ chuyển hóa thành trí tuệ. Đó là cách giới, định và tuệ hoạt động và
hòa vào làm một với nhau.
Khi
trí tuệ tăng cường sức mạnh, định sẽ tiến hóa và trở nên ngày càng vững mạnh. Định
càng vững, giới sẽ càng vững và càng hoàn thiện. Khi giới hoàn hảo, nó nuôi dưỡng
định, và định được tăng cường sẽ dẫn đến trí tuệ chín muồi. Ba thành phần của
pháp hành này kết nối và đan xen lẫn nhau. Hợp vào làm một, chúng tạo nên con
đường tu tập gồm 8 chi phần (Bát Chánh Đạo), con đường của Đức Phật. Khi giới,
định, tuệ đạt đến đỉnh cao, Đạo có đủ sức mạnh để diệt trừ những ô nhiễm, phiền
não (kilesa)[5] trong
tâm. Khi tham dục (ham muốn hưởng thụ, vui thú của giác quan) khởi lên, khi
sân, si trưng ra bộ mặt của chúng, Đạo là cái duy nhất có thể cắt đứt chúng.
Bốn
sự thật về khổ (Tứ diệu đế) là cái khung của pháp hành: Sự thật về khổ (dukkha
– khổ đế), Sự thật về nguyên nhân của khổ (samudaya- tập đế), Sự thật
về sự diệt khổ (nirodha-diệt đế), Sự thật về con đường diệt khổ (magga-đạo đế).
Con đường này được tạo thành bởi giới, định, tuệ - là cái khung để huấn luyện
tâm. Ý nghĩa thực sự của nó không thể tìm thấy trong những dòng chữ này, mà phải
đào sâu vào trong tâm chúng ta. Giới, định, tuệ là như thế đấy. Chúng tiến triển
liên tục. Bát Chánh Đạo sẽ mở rộng ra bao gồm bất cứ hình ảnh, âm thanh, mùi, vị,
cảm giác hay đối tượng nào của tâm (suy nghĩ, tưởng tượng...) được sanh khởi.
Tuy nhiên, nếu các chi phần của Bát Chánh Đạo còn yếu ớt và nhút nhát, phiền
não sẽ thống trị tâm chúng ta. Nếu Bát Chánh Đạo mạnh mẽ và dũng cảm, nó sẽ xâm
chiếm và tiêu diệt phiền não. Khi phiền não mạnh và hung hăng, trong khi Đạo
thì yếu ớt, phiền não sẽ xâm chiếm đạo. Chúng xâm chiếm tâm chúng ta. Nếu chánh
niệm, hay cái biết, không đủ nhanh và nhạy bén, khi thân, cảm giác, nhận thức
và các suy nghĩ được tiếp thu và cảm nhận, chúng sẽ chiếm hữu và tàn phá chúng
ta. Đạo và phiền não tiến lên cùng lúc. Khi thực hành Pháp tiến triển trong tâm
chúng ta, hai lực lượng này chiến đấu, giành giật với nhau trên từng bước đi.
Nó giống như hai người đang cãi nhau trong tâm chúng ta, nhưng đó chỉ là Đạo
Pháp và phiền não đang vật lộn với nhau để giành quyền kiểm soát tâm. Đạo dẫn
đường và tăng cường các khả năng của chúng ta để quán chiếu. Khi chúng ta có thể
quán chiếu một cách chính xác, phiền não sẽ mất đất sống. Nhưng nếu chúng ta
không kiên định, mỗi khi phiền não tái tập hợp lực lượng và lấy lại sức mạnh, Đạo
sẽ bị đánh bật và phiền não chiếm chỗ. Hai bên sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến
khi cuối cùng một bên sẽ chiến thắng và toàn bộ vấn đề được giải quyết.
Nếu
chúng ta tập trung sức cố gắng để tu tập con đường của Pháp, phiền não sẽ dần dần
bị diệt tận. Khi tu tập hoàn toàn đầy đủ, bốn sự thật cao thượng về khổ sẽ ở
trong tâm ta. Dù đau khổ ở dưới bất cứ hình thức nào, nó có mặt bởi vì một
nguyên nhân. Đó chính là sự thật thứ hai. Cái gì là nguyên nhân? Giới yếu kém,
định yếu kém, tuệ yếu kém. Khi Đạo không đủ mạnh mẽ, phiền não ngự trị tâm. Khi
chúng ngự trị, sự thật thứ hai vận hành, và nó làm khởi lên tất cả mọi loại đau
khổ. Khi ta đau khổ, những phẩm chất tâm có khả năng dập tắt đau khổ đã biến mất.
Điều kiện để Đạo sanh khởi là giới, định, tuệ. Khi những phẩm chất này có đầy đủ
sức mạnh, con đường Pháp sẽ không thể dừng lại, nó sẽ không ngừng tiến lên để
vượt qua dính mắc, chấp thủ đã mang đến cho chúng ta quá nhiều đau khổ. Đau khổ
không thể sinh nữa vì Đạo đã diệt tận mọi phiền não. Thời điểm đó, sự diệt tận
phiền não xảy ra. Tại sao Đạo có thể diệt tận phiền não? Bởi vì giới, định, tuệ
đã đạt đến đỉnh cao hoàn hảo, Đạo đã đạt được đà quán tính không thể dừng lại.
Tất cả đều hội tụ cả lại ở đây. Với bất cứ ai thực hành như thế, tôi có thể nói
rằng những hiểu biết lý thuyết về tâm của họ chẳng có tý giá trị nào trong đó.
Nếu tâm đã được giải thoát khỏi những điều đó, nó hoàn toàn độc lập và vững
vàng. Giờ đây dù đi bất cứ con đường nào, chúng ta không phải thúc ép nó để khiến
nó thẳng tiến nữa.
Hãy
xem cái lá xoài kia; trông nó thế nào nhỉ? Chỉ cần xem xét một chiếc lá thôi
chúng ta sẽ biết. Dù có cả vạn chiếc lá, chúng ta sẽ biết tất cả chúng trông
như thế nào. Chỉ cần nhìn một cái thôi, tất cả những cái khác cơ bản đều y như
thế cả. Thân cây cũng thế, chúng ta chỉ cần xem một gốc cây xoài là biết tất cả
các gốc khác rồi. Chỉ cần nhìn một cây thôi; tất cả các cây khác cơ bản cũng chẳng
khác. Ngay cả hàng trăm ngàn cây, tôi chỉ cần biết rõ một cây là có thể biết tất
cả. Đó là điều Đức Phật đã dạy.
Giới,
định, tuệ tạo thành con đường thực hành Pháp của Đức Phật. Nhưng con đường
không phải là tinh túy của Pháp. Con đường, bản thân nó không phải là mục đích,
không phải là mục tiêu cuối cùng của Đức Thế Tôn. Nó là con đường hướng vào trong
mình. Nó cũng giống như bạn đi từ thủ đô Bangkok đến ngôi chùa của tôi,
Wat Pah Pong. Bạn không phải đi vì con đường. Cái bạn muốn là đến chùa, nhưng bạn
cần con đường để đi. Con đường bạn đi không phải là ngôi chùa. Nó chỉ là con đường
để đến được đây. Nhưng để đến được đây, bạn phải đi theo nó. Giới, định, tuệ
cũng y như vậy. Chúng ta có thể nói nó không phải là tinh túy cốt lõi của Pháp,
nhưng nó là con đường để đến đó. Khi giới, định, tuệ được tu tập hoàn hảo, kết
quả sẽ là sự bình an sâu lắng của tâm. Đó là mục đích. Khi đã đạt đến sự bình
an này, ngay cả khi nghe một tiếng động, tâm vẫn bất động. Một khi đã đến sự
bình an tối thượng này, chẳng còn việc gì phải làm nữa. Đức Phật dạy chúng ta
buông bỏ tất cả. Bất cứ cái gì xảy đến, chẳng có gì đáng phải lo lắng cả. Khi
đó chúng ta sẽ thực sự tự mình biết, không còn nghi ngờ nữa. Chúng ta không còn
đơn giản tin vào những gì người khác nói nữa.
Nguyên
tắc cốt yếu của đạo Phật là không có bất cứ sự thể hiện, không có hiện tượng
nào. Nó không đặt trên sự thể hiện các khả năng kỳ diệu của thần thông, những
năng lực siêu nhiên hay bất cứ điều gì thần bí hay lạ lùng. Đức Phật không cho
những thứ đó là quan trọng. Những năng lực có tồn tại và có thể tu tập chúng,
nhưng phương diện này của pháp rất dễ bị lừa dối, vì vậy Đức Phật không tán
thành hay khuyến khích nó. Người duy nhất ngài ngợi khen là những người đã tự
giải thoát mình khỏi đau khổ.
Để
thực hiện điều đó cần phải thực hành, và những công cụ để làm việc đó là bố
thí, giới, định, tuệ. Chúng ta phải thực hành nó, huấn luyện tâm mình theo đó.
Chúng kết hợp với nhau để tạo thành con đường hướng vào trong mình, và trí tuệ
là bước đầu tiên. Con đường này không thể tiến triển nếu tâm vẫn còn bị che phủ
bởi phiền não, song nếu chúng ta dũng cảm và mạnh mẽ, Đạo sẽ loại bỏ hết những
ô nhiễm đó. Tuy nhiên, nếu phiền não dũng cảm và mạnh mẽ hơn, nó sẽ hủy
diệt Đạo. Thực hành Pháp chỉ đơn giản xoay quanh cuộc chiến đấu không ngừng giữa
hai lực lượng này cho đến khi đến được điểm cuối của con đường. Chúng đánh nhau
liên miên bất tận cho đến tận phút cuối cùng.
Những
nguy hiểm của sự dính mắc
Sử
dụng những công cụ thực hành thường gian khổ và nhiều thử thách khó khăn. Chúng
ta chỉ nương tựa vào sự kham nhẫn và kiên trì, và chẳng có gì nữa. Chúng ta phải
tự mình thực hành, tự mình kinh nghiệm, tự mình chứng ngộ. Các nhà học giả Phật
học, tuy vậy, thường rất mơ hồ. Chẳng hạn, khi ngồi thiền, mới có một chút xíu
tĩnh lặng là họ bắt đầu suy nghĩ, “Hây, đây chắc là sơ thiền rồi”. Đó là cách
tâm họ làm việc. Và khi những suy nghĩ đó sanh khởi, sự tĩnh lặng biến mất.
Ngay sau đó họ lại nghĩ, chắc chắn là mình đã đạt đến nhị thiền. Đừng có nghĩ
ngợi và suy đoán về nó như thế. Không có cái biển báo nào cho chúng ta biết
mình đang chứng nghiệm tầng thiền nào đâu. Thực tế hoàn toàn khác. Chẳng có cái
biển nào như cái biển trên đường, nói cho bạn biết: “Đường này đến chùa Wat Pah
Pong”. Đó không phải là cách đọc được tâm mình. Tâm chẳng thông báo cái gì cả.
Mặc
dù có nhiều nhà học giả Phật học danh tiếng viết và mô tả cặn kẽ sơ thiền, nhị
thiền, tam thiền, tứ thiền, những gì họ viết chỉ là những thông tin bên ngoài.
Khi tâm thực sự thể nhập vào những trạng thái tĩnh lặng sâu lắng đó, nó chẳng
biết tý gì về những điều được viết trong sách. Nó biết, nhưng cái nó biết chẳng
giống như trong sách. Nếu nhà học giả cố bám chặt lý thuyết của họ và lôi vào
trong thiền, vừa ngồi vừa ngẫm nghĩ “Hmmm...cái này là cái gì nhỉ? Đã đến sơ
thiền chưa nhỉ?”. Ngay tại đó, sự tĩnh lặng tan tành mây khói, và họ chẳng kinh
nghiệm được điều gì ích lợi cả. Vì sao thế? Bởi vì tâm tham, và khi có tâm tham
thì cái gì sẽ diễn ra? Ngay lập tức tâm bị đẩy ra khỏi thiền. Vì vậy đối với tất
cả chúng ta, việc cần làm là từ bỏ tất cả mọi suy nghĩ và suy đoán. Buông bỏ
chúng hoàn toàn. Hãy tu tập thân, khẩu, ý và hết mình hoàn toàn vào trong pháp
hành. Quan sát sự hoạt động của tâm, nhưng đừng lôisách vở, kinh điển vào đó với
bạn. Nếu không, nó sẽ trở thành một mớ lộn xộn khủng khiếp, bởi vì chẳng có cái
gì trong những cuốn sách ấy đúng với thực tế đang diễn ra.
Những
người nghiên cứu quá nhiều, những người đầy kiến thức lý thuyết thường không
thành công trong việc thực hành pháp. Họ mắc kẹt lại ở mức độ thông tin. Sự thật
là không thể đo lường tâm chúng ta bằng các tiêu chuẩn bên ngoài. Nếu tâm đang
tĩnh lặng, hãy để yên cho nó tĩnh lặng. Những tầng mức tĩnh lặng sâu lắng nhất
thực sự có tồn tại. Cá nhân tôi chẳng biết nhiều về lý thuyết. Khi xuất gia đã
được 3 năm mà trong tâm tôi vẫn còn rất nhiều câu hỏi về định thực sự là gì.
Tôi cố gắng suy nghĩ về nó và cố nghĩ ra khi ngồi thiền, nhưng tâm tôi trở nên
còn xáo động, bất an hơn cả trước kia. Thực sự số lượng suy nghĩ đã tăng lên rất
nhiều. Khi không ngồi thiền, tâm tôi bình an hơn rất nhiều. Các chàng trai ạ,
nó quá khó, nó khiến mình giận điên lên! Nhưng mặc dù gặp phải rất nhiều khó
khăn, tôi không bao giờ từ bỏ. Tôi vẫn cứ tiếp tục. Khi không cố gắng làm
gì đặc biệt, thì tâm tôi lại thấy thoải mái. Nhưng mỗi khi tôi quyết tâm chú
tâm vào định, nó lại vượt ra khỏi tầm kiểm soát. “Cái gì đang diễn ra thế nhỉ?”,
tôi tự hỏi mình, “Tại sao thế?”.
Về
sau, tôi nhận ra rằng thiền cũng giống như việc thở. Nếu chúng ta quyết tâm bắt
hơi thở phải nông, sâu hay vừa đúng, thì rất khó làm. Nhưng khi chúng ta thong
thả dạo chơi, và cũng chẳng biết khi nào mình thở vào hay thở ra, thì nó lại
cực kỳ thoải mái. Vì vậy, tôi suy xét, “A ha, có thể đó chính là cách làm
đúng”. Khi một người đi loanh quanh làm việc của họ một cách bình thường, không
chú tâm vào hơi thở, thì hơi thở có làm khổ họ được không? Không, họ chỉ cảm thấy
thư giãn thoải mái. Nhưng khi tôi ngồi xuống và tự thề là sẽ làm cho tâm mình
tĩnh lặng, là dính mắc và chấp thủ nhảy vào. Khi tôi cố ép hơi thở phải nông
hay sâu, tôi chỉ rước thêm mệt mỏi, bất an hơn cả trước đó. Vì sao? Bởi vì sức
mạnh ý chí tôi sử dụng bị ô nhiễm bởi sự dính mắc và chấp thủ. Tôi không biết
cái gì đang diễn ra. Tất cả những khó khăn, bực bội, mệt mỏi đó đến bởi vì tôi
đã mang tâm tham vào trong thiền.
Sự
bình an không lay động
Một
lần tôi ở một ngôi chùa rừng cách bìa làng chừng nửa dặm. Một tối nọ, dân làng
mở hội, ăn uống nhậu nhẹt ầm ĩ trong khi tôi đang đi kinh hành trong rừng. Lúc
đó chắc phải hơn 11g đêm rồi, và tôi cảm thấy hơi là lạ trong mình. Tôi cảm thấy
lạ như thế này từ lúc buổi trưa. Tâm tôi rất tĩnh lặng. Hầu như không có một
suy nghĩ nào. Tôi cảm thấy rất thư giãn và thoải mái. Tôi đi kinh hành cho đến
khi cảm thấy mệt và vào ngồi thiền trong túp lều cỏ của tôi. Khi tôi vừa ngồi
xuống, còn chưa kịp bắt chân lên, thì thật kinh ngạc, tâm tôi thể nhập sâu vào
một trạng thái vô cùng bình an. Nó tự xảy đến. Khi tôi ngồi xuống, tâm thật sự
vô cùng bình an. Vững vàng bất động như đá. Không phải là tôi không nghe thấy
tiếng ồn ào xa xa của dân làng đang nhảy múa, ca hát – tôi vẫn có thể nghe –
nhưng tôi vẫn có thể hoàn toàn tách rời khỏi tiếng ồn ấy.
Rất
kỳ lạ! Khi tôi không chú ý đến tiếng ồn nữa, nó trở nên hoàn toàn yên lặng –
tôi không nghe thấy một tiếng gì cả. Nhưng nếu muốn, tôi vẫn có thể nghe được,
mà chẳng bị nó quấy rầy. Nó giống như có hai đề mục đang đặt cạnh nhau trong
tâm tôi, nhưng không chạm vào nhau. Tôi thấy rõ tâm và đối tượng của chánh niệm
hoàn toàn tách biệt nhau, y như cái ống nhổ và ấm nước ở đây vậy. Khi đó tôi hiểu
ra rằng: khi đạt nhất tâm trong định, nếu bạn hướng tâm ra bên ngoài, bạn có thể
nghe, nhưng nếu bạn hướng vào sự rỗng không của nó, nó sẽ hoàn toàn yên lặng.
Khi nghe âm thanh, tôi có thể thấy tâm hay biết và âm thanh hoàn toàn tách biệt
nhau. Tôi nghĩ: “Nếu đây không phải là cách nó vận hành, làm sao còn cách nào nữa?”.
Đó chính là cách của nó. Hai thứ đó hoàn toàn tách biệt. Tôi tiếp tục tìm hiểu
nó như vậy cho đến khi hiểu biết của tôi tiến sâu hơn nữa: “Điều này rất quan
trọng. Khi sự liên tục của dòng tiếp nhận các đối tượng bị cắt đứt, kết quả là
sự bình an”. Ảo tưởng trước đó về tính liên tục (santati) biến thành sự bình an
của tâm (santi). Tôi tiếp tục ngồi, tinh tấn hành thiền. Lúc đó tâm chỉ chú ý
toàn bộ vào thiền, không quan tâm đến bất cứ gì khác. Nếu tôi dừng lại vào thời
điểm đó, thì chỉ vì một lý do duy nhất là thiền tập của tôi đã hoàn thành. Tôi
có thể nghỉ ngơi, nhưng đó hoàn toàn không phải là vì lười biếng, mệt mỏi hay cảm
giác khó chịu; tất cả những điều ấy đã vắng bóng trong tâm tôi. Chỉ có sự cân bằng
và tâm xả hoàn hảo ở bên trong – vừa đủ, vừa đúng mức.
Cuối
cùng tôi cũng nghỉ một lát, nhưng đó chỉ là tư thế ngồi của cơ thể thay đổi.
Tâm tôi vẫn miên mật, không lay động, không mệt mỏi. Tôi kéo cái gối lại, định
nằm nghỉ. Khi nằm xuống, tâm tôi vẫn giữ nguyên sự tĩnh lặng như trước đó. Rồi
khi đó, trước khi đầu tôi chạm xuống gối, chánh niệm trong tâm tôi quay trở lại
vào bên trong, tôi không biết nó đi vào đâu, nhưng nó cứ đi sâu dần sâu dần hơn
nữa vào bên trong. Nó giống như dòng điện chạy dọc theo dây dẫn đến một cái
công tắc. Khi chạm công tắc, thân tôi nổ tung với một tiếng nổ điếc tai. Cái
tâm biết lúc đó vô cùng rõ ràng và vi tế. Khi đã đi qua điểm đó, tâm được giải
phóng để thể nhập sâu vào bên trong. Nó đi sâu vào đến một điểm mà chẳng có gì ở
đó cả. Hoàn toàn không có một thứ gì ở thế giới bên ngoài đến được nơi đó.
Không có một thứ gì có thể chạm đến nó. Sau khi đã đi sâu vào bên trong một
lúc, tâm rút lui trở lại ra bên ngoài. Tuy nhiên, khi tôi nói tâm rút lui không
có nghĩa là tôi kéo nó trở ra. Tôi chỉ đơn giản là một người quan sát, chỉ hay
biết và chứng kiến. Tâm ra ngoài nhiều hơn đến khi trở lại bình thường.
Khi
trạng thái tâm trở lại bình thường, một câu hỏi khởi lên: “Cái gì thế nhỉ?”.
Câu trả lời đến ngay lập tức: “Những điều này tự đến theo chính nó. Bạn không cần
phải tìm lời giải thích”. Câu trả lời đó là đủ để làm tâm tôi thỏa mãn.
Sau
một lúc ngắn ngủi, tâm tôi lại bắt đầu chảy vào trong. Tôi không cố gắng hướng
tâm mình đi đâu. Tự nó cất cánh. Khi đi sâu hơn nữa vào bên trong, nó lại đập
vào cái công tắc đó lần nữa. Lần này, toàn thân tôi tan rã ra thành từng mảnh vụn
và hạt nhỏ li ti. Tâm lại được giải phóng và đi sâu vào bên trong chính nó.
Hoàn toàn tĩnh lặng. Nó còn tĩnh lặng sâu lắng hơn cả lần thứ nhất. Hoàn toàn
không có một thứ gì có thể chạm đến đó. Tâm ở lại đó một lúc, như nó muốn, rồi
rút lui ra bên ngoài. Lúc đó nó đi theo quán tính của nó và tất cả tự diễn ra.
Tôi không tác động hay định hướng cho tâm mình phải theo bất cứ cái gì, chảy
vào trong hay rút lui ra ngoài. Tôi chỉ là người biết và quan sát.
Tâm
tôi lại trở lại trạng thái bình thường, và tôi cũng không tự hỏi hay suy đoán về
những gì đang diễn ra. Tôi tiếp tục hành thiền và tâm lại quay vào trong lần nữa.
Lần thứ ba này, cả vũ trụ tan ra thành từng hạt vụn nhỏ. Trái đất, núi non, ruộng
đồng, rừng rậm, cả thế giới, tan rã vào trong hư không giới (ākāsa-dhātu). Con
người biến mất. Tất cả mọi thứ đều biến mất. Tất cả mọi thứ không có gì còn lại.
Sau
khi đi sâu vào trong, tâm an trú ở đấy một lúc như nó muốn. Tôi không thể nói
là tôi hiểu chính xác làm cách nào nó ở lại đó. Rất khó để diễn tả những gì diễn
ra. Không có cái gì có thể so sánh được. Không có ví dụ nào thích hợp. Lần này,
tâm an trú trong đó lâu hơn lần trước nhiều, sau một lúc nó mới trở ra trạng
thái bình thường. Khi tôi nói, nó trở ra không có nghĩa là tôi bắt nó trở ra
hay tôi đang kiểm soát những gì đang diễn ra. Tâm tự làm tất cả những việc ấy.
Tôi chỉ đơn thuần là người quan sát. Cuối cùng nó cũng trở lại trạng thái tâm
bình thường. Làm sao bạn có thể đặt tên cho những gì diễn ra trong 3 lần đó? Ai
biết? Bạn dùng thuật ngữ nào để dán nhãn cho nó?
Sức
mạnh của tâm định
Tất
cả mọi thứ tôi vừa nói với các bạn là nói về cái tâm thuận theo tự nhiên. Đây
không phải là sự diễn giải lý thuyết về tâm hay các tâm sở. Việc đó là không cần
thiết. Khi có đức tin, bạn sẽ đến đó và thực sự thực hành nó. Không phải là chạy
quanh để chơi, mà bạn phải đặt cả cuộc đời mình vào con đường ấy. Và khi sự thực
hành của bạn đạt đến giai đoạn như tôi vừa diễn tả, thì sau đó cả thế giới sẽ
hoàn toàn đảo ngược. Sự hiểu biết của bạn về thực tại sẽ hoàn toàn khác. Cái nhìn
của bạn đã chuyển hóa triệt để. Nếu có ai đó nhìn thấy bạn lúc ấy, chắc họ sẽ
nghĩ bạn bị điên. Nếu kinh nghiệm này xảy đến với một người không hiểu biết sâu
sắc về chính mình, có lẽ họ sẽ phát điên, bởi vì chẳng có gì giống như trước đó
nữa cả. Mọi người trên thế giới này trông dường như khác hẳn trước kia. Nhưng bạn
là người duy nhất thấy được điều đó. Tất cả mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Các
suy nghĩ của bạn đã biến đổi. Mọi người nghĩ một hướng, bạn nghĩ theo hướng
khác. Họ nói về mọi thứ theo một cách, trong khi bạn nói theo cách khác. Họ
đang đi xuống theo con đường này, trong khi bạn đang đi lên trên một con đường
khác. Bạn không còn giống như những con người bình thường khác nữa.
Cách
kinh nghiệm mọi thứ như thế này sẽ không bị suy thoái mất. Nó còn lại và tiếp tục.
Hãy thử đi. Nếu nó thực sự như tôi vừa mô tả, bạn sẽ không phải đi tìm đâu xa nữa.
Chỉ cần nhìn vào trong tâm mình thôi. Cái tâm này vô cùng dũng mãnh và kiên định.
Đó là nguồn sức mạnh và năng lượng của tâm. Tâm chúng ta có loại sức mạnh tiềm
tàng này. Đây là năng lượng và sức mạnh của tâm định.
Ở
thời điểm này, nó vẫn chỉ là sức mạnh và sự thanh tịnh mà tâm có được từ định.
Tầng mức định này là định tối hậu. Tâm đã đạt tới đỉnh cao của định; nó không
chỉ là mỗi sát na định[6]. Nếu bạn chuyển
sang thiền Vipassāna ở thời điểm này, sự quán chiếu sẽ liên tục không gián đoạn
và đầy tuệ giác. Hoặc là bạn có thể sử dụng năng lượng tập trung đó để dùng vào
việc khác. Từ chỗ này trở đi, bạn có thể phát triển các khả năng thần thông,
trình diễn các phép lạ hoặc sử dụng chúng theo bất cứ cách nào bạn muốn.
Các ẩn sĩ và tu sĩ khổ hạnh thường sử dụng sức mạnh của định để làm nước thánh,
hay bùa chú... Những điều này có thể làm được khi đạt đến giai đoạn này, và có
thể có một số lợi ích nhất định nào đó; nhưng nó cũng chỉ như ích lợi của rượu
mà thôi. Bạn uống rượu và bạn bị say rượu.
Mức
định này là một trạm nghỉ. Đức Phật nghỉ ngơi ở đây. Nó tạo nền tảng cho việc
quán chiếu và thực hành thiền Vipassāna. Tuy nhiên, không cần thiết phải đạt được
những mức định thâm sâu như vậy để quan sát những quan hệ nhân duyên quanh ta,
vì vậy hãy tiếp tục bền bỉ quán chiếu tiến trình nhân duyên. Để làm điều đó,
chúng ta tập trung sự tĩnh lặng và sáng suốt của tâm để phân tích mọi hình ảnh,
âm thanh, hương, vị, cảm giác, các suy nghĩ và cảm xúc đang kinh nghiệm. Xem
xét và tìm hiểu các cảm xúc và trạng thái tâm của mình, xem nó là tích cực hay
tiêu cực, hạnh phúc hay đau khổ. Tìm hiểu tất cả mọi thứ. Nó giống như một người
leo lên cây xoài và rung cây để làm rụng quả, trong khi chúng ta đứng ở dưới nhặt
quả. Những quả thối, chúng ta không nhặt. Chỉ nhặt quả ngon. Chẳng mệt tý nào,
bởi vì chúng ta không phải trèo cây. Chúng ta chỉ đơn giản đợi ở dưới mà nhặt.
Bạn
có hiểu ý nghĩa của ví dụ ấy không? Tất cả mọi thứ được kinh nghiệm bởi một cái
tâm tĩnh lặng sẽ mang lại lợi ích lớn hơn. Chúng ta không còn tạo ra những suy
đoán, suy nghĩ quanh những gì mình tiếp nhận, kinh nghiệm. Tài sản, danh vọng,
chỉ trích, ca tụng, hạnh phúc và đau khổ tự nó đến. Và chúng ta vẫn bình an.
Chúng ta trí tuệ. Thực ra nó rất thú vị. Chọn lọc và phân loại chúng trở thành
công việc thú vị. Cái mọi người vẫn gọi là tốt, xấu, đây, kia, hạnh phúc, đau
khổ...tất cả chúng được chúng ta sử dụng để làm lợi cho mình. Có người đã trèo
lên cây xoài rung để quả rụng xuống cho chúng ta. Chúng ta chỉ đơn giản vui vẻ ở
dưới nhặt mà chẳng phải sợ gì. Có cái gì ở đó mà phải sợ cơ chứ? Người khác
trèo và rung cây cho chúng ta đấy chứ. Tiền tài, danh vọng, khen, chê, hạnh
phúc và đau khổ chẳng khác gì những quả xoài rụng xuống, chúng ta xem xét, tìm
hiểu chúng với một nội tâm tĩnh lặng. Khi đó chúng ta sẽ biết quả nào thối, quả
nào ngon.
Thực
hành thuận pháp
Khi
chúng ta bắt đầu sử dụng sự tĩnh lặng và bình an đã phát triển trong quá trình
thiền tập để quán chiếu những đối tượng đó, thì trí tuệ sẽ sanh khởi. Đó là cái
tôi gọi là trí tuệ. Đó là thiền vipassāna. Nó không phải là thứ có thể giả
mạo. Nếu chúng ta có trí, thiền vipassāna sẽ phát triển một cách tự
nhiên. Chúng ta không phải đặt tên cho những gì đang diễn ra. Nếu chỉ có một
chút tuệ giác rõ ràng, chúng ta gọi là “một ít thiềnvipassāna”. Khi tuệ giác rõ
ràng lớn hơn một chút, ta gọi là “vipassāna vừa phải”. Nếu hiểu biết hoàn
toàn theo sự thật, chúng ta gọi là “vipassāna tối hậu”. Cá nhân tôi thích
sử dụng từ trí tuệ (paññā) hơn là vipassāna. Nếu chúng ta nghĩ mình ngồi
thiền lúc này, lúc kia để thực hành “thiềnvipassāna”, thì chúng ta sẽ gặp rất
nhiều khó khăn với nó. Tuệ giác phải phát triển từ tĩnh lặng và bình an. Toàn bộ
tiến trình sẽ tự diễn ra một cách tự nhiên theo chính nó. Chúng ta không thể ép
buộc nó.
Đức
Phật dạy rằng tiến trình này sẽ chín muồi theo tốc độ riêng của nó. Khi đã đạt
đến trình độ này trong pháp hành, chúng ta để cho nó được phát triển phù hợp với
những khả năng bên trong, với tầm mức tâm linh và phước báu mà mình đã tích lũy
trong quá khứ. Song chúng ta không bao giờ ngừng tinh tấn thực hành. Sự tu tập
tiến triển nhanh hay chậm nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nó cũng giống
như trồng một cái cây. Cái cây tự biết cần phải lớn với tốc độ nào. Nếu chúng
ta muốn nó lớn nhanh hơn cũng không được. Muốn nó lớn chậm hơn cũng không được,
phải nhận thấy rằng cái muốn đó là ảo tưởng. Khi chúng ta làm công việc, kết quả
sẽ đến theo – cũng giống như trồng một cái cây. Chẳng hạn, chúng ta trồng
cây ớt. Trách nhiệm của chúng ta là đào một cái lỗ, gieo hạt, tưới nước, bón
phân và bắt sâu. Đó là công việc của chúng ta, chỉ có thể làm được đến thế. Lúc
này là lúc cần đến lòng tin. Cây ớt có lớn hay không là tùy thuộc vào nó. Không
phải việc của chúng ta. Chúng ta không thể kéo cổ nó lên cho nó lớn nhanh. Đó
là công việc của tự nhiên. Công việc của chúng ta là tưới nước và bón phân. Thực
hành pháp như vậy sẽ khiến cho tâm ta thoải mái và thanh thản.
Nếu
chúng ta đắc đạo trong kiếp sống này thì cũng tốt. Nếu chúng ta phải chờ cho đến
kiếp sau thì cũng chẳng sao. Chúng ta đặt lòng tin không lay chuyển vào pháp.
Tiến bộ nhanh hay chậm là tùy thuộc ở các khả năng nội tại, tầm mức tâm linh và
phước báu mình đã tích lũy từ trước tới nay. Thực hành như thế sẽ khiến tâm
mình thanh thản, bình an. Giống như đi xe ngựa. Chúng ta không đặt cái xe ở đằng
trước con ngựa. Hay giống như cày ruộng mà để cái cày đi trước con trâu. Cái
tôi đang nói ở đây là cái tâm cứ muốn tự vượt chính mình. Nó luôn nóng lòng muốn
đạt kết quả nhanh. Đừng để cái cày đi trước con trâu. Bạn phải để cày đi sau
con trâu.
Nó
cũng giống như cây ớt chúng ta đang trồng. Tưới nước và bón phân cho nó, và nó
sẽ làm công việc tiêu thụ các chất dinh dưỡng ấy. Khi sâu bọ đến phá hoại thì
ta đuổi chúng đi. Chỉ cần làm như vậy là đủ để cây ớt tự nó lớn tốt, và khi nó
đã lớn, đừng có cố ép nó phải ra hoa chỉ vì chúng ta nghĩ bây giờ là lúc nó nên
ra hoa. Đó không phải là việc của chúng ta. Điều đó chỉ tạo nên những cái khổ
vô ích mà thôi. Hãy để nó tự ra hoa. Khi nó đã có hoa, đừng đòi hỏi nó phải cho
ra quả ớt ngay. Đừng dựa vào sự cưỡng ép. Điều đó thực sự mang đến đau khổ. Khi
đã hiểu ra vấn đề, chúng ta sẽ thấy cái gì là trách nhiệm của mình và cái gì
không phải. Mỗi thứ đều có nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành. Tâm biết vị trí và
nhiệm vụ của nó trong công việc. Nếu tâm không hiểu nhiệm vụ của nó, nó sẽ cố
ép cây ớt phải ra quả vào đúng cái ngày chúng ta trồng nó. Tâm cứ nằng nặc muốn
nó phải lớn, phải ra hoa và đậu quả tất cả trong một ngày.
Điều
đó chẳng là gì khác ngoài sự thật thứ hai về khổ: tham là nhân sanh khổ. Nếu
chúng ta ý thức về sự thật này và suy xét đến nó, chúng ta sẽ hiểu rằng cố gắng
cưỡng ép kết quả trong khi thực hành pháp thì chỉ là tâm si. Sai lầm. Hiểu cách
hoạt động của nó, chúng ta buông bỏ và để cho mọi thứ chín muồi thuận theo những
khả năng nội tại, tầm mức tâm linh và phước báu ta đã tích lũy. Chúng ta tiếp tục
làm phần việc của chúng ta. Đừng lo rằng việc đó cần một thời gian dài. Kể cả
phải cần đến hàng trăm hay hàng ngàn kiếp sống để đắc đạo, thế thì đã sao? Dù
phải cần đến bao nhiêu kiếp sống chăng nữa, chúng ta vẫn tiếp tục thực hành với
một cái tâm thanh thản, nhẹ nhàng và thoải mái với tốc độ của mình. Một khi tâm
đã nhập dòng (đắc Thánh quả đầu tiên), thì chẳng còn gì phải lo sợ nữa. Nó sẽ
vượt lên trên ngay cả những nghiệp bất thiện nhỏ nhất. Đức Phật nói tâm của một
vị Thánh Tu Đà Hoàn, người đã đạt đến tầng giác ngộ đầu tiên, đã nhập vào dòng
chảy của Pháp đến giác ngộ hoàn toàn. Những vị ấy sẽ không còn phải rơi vào những
khổ cảnh thấp kém, không bao giờ rơi vào địa ngục nữa. Làm sao có thể rơi vào địa
ngục khi tâm họ đã từ bỏ những điều bất thiện? Họ đã thấy sự nguy hiểm khi tạo
nghiệp bất thiện. Ngay cả khi bạn cố ép họ làm hay nói những điều bất thiện, họ
cũng không thể làm được, vì vậy không có cơ hội để họ rơi vào địa ngục hay những
cảnh giới thấp kém. Tậm họ đã hòa vào dòng chảy của Pháp.
Khi
đã ở trong dòng chảy đó, bạn sẽ biết đâu là trách nhiệm của mình. Bạn hiểu rõ
được công việc trước mắt. Bạn đã hiểu cách thực hành pháp. Bạn biết khi nào cần
phải cố gắng hết mình, khi nào cần thư giãn. Bạn hiểu rõ thân tâm mình, các tiến
trình thân-tâm, bạn từ bỏ những gì cần từ bỏ, liên tục từ bỏ không còn chút
nghi ngờ nào nữa.
Thay
đổi cách nhìn
Trong
cuộc đời tu tập, tôi chưa bao giờ cố để thành thạo nhiều đề mục thiền khác
nhau. Chỉ có một mà thôi. Tôi thanh lọc tâm mình. Khi chúng ta nhìn vào một cái
thân nào đó. Nếu chúng ta thấy mình bị cuốn hút bởi một thân hình, hãy phân
tích nó xem. Hãy nhìn thật kỹ: tóc, lông, móng, răng, da... Đức Phật dạy chúng
ta quán chiếu thật kỹ, thật nhiều lần những bộ phận ấy. Tưởng tượng chúng một
cách riêng rẽ, tách chúng ra, bóc lớp da ra và thiêu cháy chúng. Đó là cách phải
thực hành. Gắn chặt vào cách thực hành đó cho đến khi nó vững vàng và ổn định.
Nhìn tất cả mọi người đều như vậy. Chẳng hạn khi các vị sư đi khất thực trong
làng, bất cứ ai họ thấy – dù là một vị sư khác hay dân làng – hãy nhìn họ như
những xác chết, những cái xác đang ngất ngưởng bước đi trước mặt. Duy trì chú
tâm vào sự tưởng tượng này. Đó là cách chúng ta tinh tấn. Nó sẽ dẫn đến sự phát
triển và chín muồi. Khi nhìn thấy một cô gái trẻ mà bạn thấy hấp dẫn, hãy tưởng
tượng đó là một cái xác chết biết đi, thân thể đang thối rữa, mưng mủ. Hãy nhìn
tất cả mọi người như vậy. Và đừng để họ đến quá gần mình! Đừng để si mêcòn
vương vấn trong tâm bạn. Nếu bạn nhìn mọi người như những xác chết đang thối rữa,
tôi đảm bảo là si mê chẳng còn trong tâm bạn nữa. Quán chiếu cho đến khi bạn chắc
chắn về những gì mình thấy, cho đến khi nó rõ ràng, đến khi bạn đã thuần thục.
Khi đó bất cứ con đường nào bạn bước vào, bạn cũng sẽ không còn bị lạc nữa. Hãy
thực hành với tất cả trái tim. Bất cứ khi nào bạn nhìn một ai đó, không khác gì
nhìn một cái xác. Dù là đàn ông hay đàn bà, nhìn người đó như một xác chết. Và
đừng quên nhìn chính mình như một xác chết nữa. Cuối cùng tất cả những gì còn lại
chỉ là như thế. Cố gắng tập cách nhìn này một cách kỹ lưỡng. Tập cho đến khi nó
trở thành một phần của tâm bạn. Tôi hứa là các bạn sẽ cảm thấy rất thú vị khi
thực sự thực hành như thế. Nhưng nếu bạn chỉ bận rộn đọc những điều đó ở trong
sách thì sẽ khó lắm đấy. Bạn phải thực sự thực hành. Và thực hành với lòng chân
thành hết mực. Thực hành cho đến khi phương pháp thiền đó trở thành một phần của
bạn. Hãy lấy mục đích giác ngộ sự thật làm mục đích cho mình. Nếu động cơ của bạn
là tu để thoát khổ, thì khi đó bạn mới ở trên con đường chánh.
Ngày
nay có rất nhiều người dạy thiềnvipassāna và rất nhiều kỹ thuật thiền khác
nhau. Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, thực hành thiềnvipassāna không dễ tý
nào. Chúng ta không thể nhảy vào thực hành nó ngay lập tức. Bạn sẽ không thể thực
hành được nếu không có một tiêu chuẩn đạo đức cao. Hãy tự mình tìm hiểu điều đó.
Kỷ luật và giới hạnh là điều cần thiết, bởi vì nếu lời nói, suy nghĩ và hành động
của bạn không trọn vẹn thì sẽ không bao giờ có thể tự đứng trên đôi chân của
mình được. Thực hành thiền mà không có giới hạnh đi kèm thì cũng giống như cố bỏ
qua một phần cốt yếu của đường đạo. Bạn cũng thỉnh thoảng nghe người này người
kia nói: “Bạn không cần phải phát triển định tâm. Hãy bỏ qua và đi thẳng vào
thiềnvipassāna”. Những con người nóng vội, bất cẩn vốn thích đi tắt đón đường
thường hay nói như vậy. Họ nói bạn không cần phải bận tâm đến giới. Giữ giới và
thanh lọc giới hạnh của mình là một thử thách, không phải chuyện chơi. Nếu
có thể bỏ qua tất cả những lời dạy về giữ giới, chắc hẳn sẽ dễ hơn với chúng ta
đúng không? Mỗi khi gặp khó khăn, chúng ta chỉ tránh né bằng cách bỏ qua nó. Tất
nhiên, chúng ta ai cũng thích bỏ qua những miếng khó nhằn như thế.
Một
lần có một vị sư đến nói với tôi rằng anh ta là một thiền sinh đích thực. Anh
ta xin phép ở lại đây với tôi và hỏi tôi về chương trình sinh hoạt, phép tắc
trong chùa. Tôi giải thích với anh ta rằng trong ngôi chùa này chúng tôi sống
theo giới luật của chư tăng, và nếu muốn ở lại phải xả bỏ mọi tiền bạc và vật dụng
cá nhân tự sắm. Anh ta nói với tôi rằng cách thực hành của anh ấy là “không
dính mắc với mọi quy ước chế định”. Tôi bảo tôi không hiểu anh ta muốn nói gì.
Anh ta đề nghị “thế nếu tôi ở đây, vẫn giữ tiền của mình nhưng không dính mắc với
nó thì sao. Tiền cũng chỉ là quy ước thôi mà”. Tôi nói, được, không vấn đề gì.
“Nếu bạn có thể ăn muối mà không cảm thấy mặn, khi đó bạn có thể sử dụng tiền
mà không bị dính mắc vào nó”. Anh ta nói rất vô lý. Thực ra, anh ta lười không
muốn giữ mọi giới luật chi tiết. Tôi nói với các bạn, nó rất khó. “Khi bạn ăn
muối và thành thực nói rằng nó không mặn, được rồi, tôi tin lời bạn. Nếu bạn
nói không mặn, vậy tôi đưa bạn cả bao muối. Hãy ăn thử xem. Có thực nó không mặn
không? Không dính mắc với quy ước chế định là cách ăn nói ma lanh, trơn tuột. Nếu
bạn nói với tôi như thế thì bạn không ở lại đây được”. Vậy là anh ta bỏ đi.
Chúng
ta phải cố gắng và duy trì việc thực hành giới. Tu sỹ nên huấn luyện bằng cách
thử thọ các hạnh đầu đà, khổ hạnh, trong khi cư sỹ tại gia nên giữ năm giới. Cố
gắng đạt được sự hoàn hảo trong tất cả mọi lời nói và hành động của mình. Chúng
ta cần tu tập các thiện pháp với hết khả năng của mình, và tiếp tục đều đặn làm
điều đó.
Khi
bắt đầu tu tập thiền chỉ, đừng phạm sai lầm là chỉ cố gắng một, hai lần rồi bỏ
chỉ vì tâm mình không an. Đó không phải là cách tu đúng. Bạn phải tu tập cả một
thời gian dài. Tại sao phải cần thời gian dài như thế? Hãy nghĩ mà xem. Bạn đã
để tâm mình bay nhảy trong bao nhiêu năm rồi? Và bạn đã hành thiền được bao
nhiêu năm rồi? Mỗi khi tâm ra lệnh cho mình đi, là chúng ta vội vàng lao theo
nó. Để bình ổn lại cái tâm phóng chạy lung tung đó, để nó phải dừng lại, tĩnh lặng
trở lại, chỉ có vài tháng hành thiền thì không đủ. Hãy suy xét đến điều đó.
Khi
bắt đầu tu tập để tâm trở nên bình an trong mọi hoàn cảnh, xin hãy hiểu rằng
lúc ban đầu, khi các cảm xúc phiền não sanh lên, tâm sẽ không thể bình an. Nó sẽ
bị phân tán và mất kiểm soát. Vì sao? Bởi vì ái dục (tìm kiếm sự thỏa mãn và
kích thích giác quan). Chúng ta không muốn tâm mình nghĩ. Chúng ta không muốn
có bất cứ một cảm xúc hay trạng thái tâm nào khiến mình bị phân tán. Không muốn
là ái dục, khao khát sự không hiện hữu (phi hữu ái). Chúng ta càng không muốn
có thứ gì đó thì thực ra là lại càng mời gọi và dẫn nó đến. “Tôi không muốn những
thứ đó, sao nó cứ đến với tôi? Tôi muốn nó không như vậy, mà sao nó cứ như vậy
hoài?”. Đó, chúng ta cứ thế. Chúng ta khao khát mọi thứ phải tồn tại theo một
cách nhất định, bởi vì chúng ta không hiểu tâm mình. Phải cần một thời gian
dài, dài đến mức không tin nổi để nhận ra rằng chơi với những thứ đó là sai lầm.
Cuối cùng, khi nhìn nó một cách rõ ràng, chúng ta thấy “À, thì ra những thứ đó
đến bởi vì mình gọi chúng đến”.
Mong
muốn không phải có một cái gì đó, tham muốn được bình yên, tham muốn không bị
phóng tâm và xáo động – tất cả chỉ là tham muốn. Tất cả chỉ là một cây sắt nóng
đỏ. Nhưng không cần phải lo. Chỉ cần tiếp tục thực hành. Mỗi khi có một cảm xúc
hay trạng thái tâm nào đó, hãy xem xét nó trên những tính chất vô thường, khổ,
vô ngã và ném nó vào một trong ba danh mục ấy. Rồi suy xét và tìm hiểu: những cảm
xúc phiền não ấy hầu như luôn luôn đi cùng với những dòng suy nghĩ quá mức. Bất
cứ chỗ nào một trạng thái tâm dẫn đến, chỗ ấy có suy nghĩ kéo đàn kéo lũ đằng
sau. Suy nghĩ và trí tuệ là hai cái rất khác nhau. Suy nghĩ chỉ phản ứng và
theo đuôi các trạng thái tâm và chúng kéo dài vô tận. Song nếu trí tuệ hoạt động,
nó sẽ mang đến sự tĩnh lặng cho tâm. Tâm sẽ dừng lại và chẳng đi đâu nữa cả. Ở
đó đơn giản chỉ có sự hay biết và ghi nhận những gì đang diễn ra: khi cảm xúc đến
thì nó như thế này, khi cảm xúc đi thì nó như thế này. Chúng ta duy trì “cái biết”
đó. Cuối cùng, điều sẽ xảy đến là: “Ô này, tất cả những suy nghĩ này, những
mấu đối thoại vô mục đích này, những lo lắng và những đánh giá, phán xét này –
tất cả chúng thật là vô nghĩa. Tất cả chúng đều vô thường, bất toại nguyện và
không phải là tôi, không phải của tôi”. Vứt nó vào một trong ba danh mục tổng
quát ấy, và dập tắt sự nổi dậy của chúng. Bạn cắt đứt tất cả mọi nguồn sống của
chúng. Sau đó, khi chúng ta ngồi thiền, chúng lại đến nữa. Hãy nhìn nó thật kỹ.
Hãy điều tra nó, dò xét nó.
Nó
giống như khi bạn chăn trâu. Có ruộng lúa, có trâu và có người chăn trâu. Bây
giờ trâu muốn ăn lúa. Trâu thường thích ăn lúa đúng không? Tâm bạn là con trâu.
Các cảm xúc phiền não là lúa. Chánh niệm (cái biết) là người chăn trâu. Thực
hành pháp giống như vậy. Không khác tý nào. Bạn hãy tự so sánh mà xem. Khi chăn
trâu bạn làm gì? Bạn thả nó, cho nó đi lại tự do, nhưng luôn để mắt canh chừng
nó. Nếu nó đến gần ruộng lúa, bạn quát nó. Khi con trâu nghe tiếng, nó liền
quay đi. Nhưng bạn đừng lơ đãng, đừng lơ là với con trâu. Nếu bạn có con trâu cứng
đầu, quát không chịu nghe lời, bạn phải cầm cây roi và vụt cho nó một cái vào
mông. Khi nó nó sẽ không dám bén mảng đến ruộng lúa nữa. Nhưng đừng có thả rông
trâu mà đi ngủ trưa. Nếu bạn nằm xuống và ngủ quên, thì cái ruộng lúa ấy
chỉ còn là lịch sử. Thực hành pháp cũng y như vậy: bạn canh chừng tâm mình; cái
biết sẽ chăn cái tâm.
“Người
biết canh tâm mình sẽ thoát khỏi lưới Ma Vương”. Tuy nhiên, cái biết ấy cũng
chính là tâm, thế thì ai đang quan sát tâm? Những ý tưởng như vậy có thể khiến
bạn cực kỳ rối trí. Tâm là một thứ; cái biết là thứ khác; nhưng cái biết ấy lại
xuất phát từ chính cùng một cái tâm. Vậy thế nào là biết tâm mình? Đối diện với
các cảm xúc và trạng thái tâm là thế nào? Khi không có cảm xúc phiền não thì
như thế nào? Cái hiểu tất cả những điều đó, chính là “cái biết”. Cái biết quan
sát tâm, và từ cái biết này, trí tuệ sẽ khởi sanh. Tâm là cái suy nghĩ và bị mắc
kẹt trong các cảm xúc, cái này theo sau cái khác – giống y như con trâu của
chúng ta. Bất cứ hướng nào nó lang thang tới, hãy luôn để mắt đến nó. Làm thế
nào mà nó lang thang đi mất? Nếu nó bén mảng đến ruộng lúa, hãy quát nó. Nếu nó
không nghe lời, nhặt cây roi và quất nó một cái. Đó chính là cách bạn vô hiệu
hóa ái dục.
Huấn
luyện tâm mình cũng không khác. Khi tâm có một cảm xúc và ngay lập tức bám víu
vào cảm xúc ấy, công việc của “cái biết” là dạy nó. Hãy kiểm tra, xem xét trạng
thái tâm ấy xem nó là tốt hay xấu. Giải thích cho tâm biết nhân quả đang hoạt động
như thế nào. Và khi tâm lại túm lấy một cái gì đó mà nó nghĩ là hay, “cái biết”
lại phải dạy nữa, lại giải thích thế nào là nhân quả, cho đến khi tâm buông bỏ
cái nó đang dính mắc. Điều này sẽ đem đến sự bình an cho tâm. Sau khi đã thấy
ra bất cứ cái gì nó bám víu và dính mắc đều là không đáng mong cầu, tâm sẽ tự động
dừng lại. Nó không thể bị những thứ đó quấy rối nữa, bởi vì liên tục bị la mắng
và khiển trách. Hãy quyết tâm chặn đứng ái dục trong tâm mình. Hãy truy tìm và
đối diện với nó đến tận căn nguyên gốc rễ, cho đến khi giáo pháp thẩm thấu vào
trong tim. Đó là cách bạn huấn luyện tâm mình.
Kể
từ khi bước chân vào rừng sâu tu tập, tôi toàn thực hành như vậy. Khi dạy học
trò, tôi cũng dạy họ thực hành như vậy. Bởi vì tôi muốn họ thấy sự thật, chứ
không phải chỉ đọc những gì ghi trong kinh điển; tôi muốn họ thấy rõ xem tâm
mình đã được giải thoát khỏi suy nghĩ hay chưa. Khi được giải thoát, bạn sẽ biết;
nếu chưa giải thoát, thì hãy quán chiếu tiến trình nhân quả, nhân này dẫn đến
quả kia như thế nào. Quán chiếu cho đến khi bạn biết và hiểu nó thật kỹ càng.
Khi đã được xuyên thấu bởi tuệ giác, nó sẽ tự rơi rụng đi. Khi cái gì đến với bạn
và mắc kẹt lại, hãy tìm hiểu nó. Đừng từ bỏ cho đến khi nó thả cái gọng kìm
đang kìm kẹp mình ra. Hãy liên tục tìm hiểu ở ngay tại chỗ này. Đối với tôi,
đây chính là cách tôi đến với giáo pháp, bởi vì Đức Phật dạy chúng ta phải tự
mình hiểu. Tất cả các bậc thánh đều tự mình hiểu chân lý. Bạn phải phát
hiện nó ở trong chiều sâu của chính tâm bạn. Hãy tự biết mình.
Nếu
bạn tự tin về những gì mình hiểu và tin tưởng bản thân mình, bạn sẽ cảm thấy rất
bình thản khi có ai đó chỉ trích hay tán dương bạn. Người ta nói bất cứ điều
gì, bạn cũng sẽ thấy bình thản, thoải mái. Tại sao? Bởi vì bạn tự biết mình. Nếu
ai đó tâng bốc bạn lên mây xanh, trong khi thực sự bạn không như thế, thì bạn
có tin lời họ không? Tất nhiên không rồi. Bạn chỉ đơn giản tiếp tục thực hành
pháp. Những người không tự tin vào những gì mình biết, khi họ được ca tụng, họ
vội vàng tin vào điều đó và dựng nên ảo tưởng về chính mình. Cũng vậy, khi có
ai đó chỉ trích bạn, hãy tự nhìn lại và kiểm tra lại chính mình. “Không, những
gì họ nói không đúng. Họ nói tôi sai, tôi xấu, nhưng thực sự tôi không phải như
vậy. Lời chỉ trích của họ không có giá trị gì hết”. Trong trường hợp như thế, tức
giận với họ có ý nghĩa gì? Lời nói của họ không đúng. Nếu chúng ta thật sự có lỗi
như họ nói, thì lời chỉ trích của họ là đúng. Trong trường hợp ấy, tại sao lại
tức giận với họ? Khi bạn có thể nghĩ được như thế, cuộc sống sẽ thực sự không
còn rắc rối và sẽ rất thoải mái, thanh thản. Chẳng có gì sai cả. Khi đó, tất cả
mọi thứ đều là Pháp. Đó là cách tôi thực hành.
Con
đường giữa (trung đạo)
Đó
là con đường ngắn nhất và thẳng nhất. Bạn đến và tranh luận với tôi về Phật
Pháp, nhưng tôi sẽ không tham gia đâu. Thay vì tranh luận lại, tôi chỉ nói lên
một số suy nghĩ để bạn xem xét. Hãy hiểu lời Đức Phật dạy: buông bỏ tất cả.
Buông bỏ với chánh niệm và cái biết. Không có chánh niệm và cái biết, buông bỏ
như thế cũng chẳng khác gì với sự buông bỏ của trâu bò. Không để tâm mình vào
đó thì sự buông bỏ ấy là không đúng. Bạn buông bỏ bởi vì bạn đã hiểu được cái
thực tại chế định, cái quy ước do con người đặt ra. Đó mới là không dính mắc. Đức
Phật dạy, trong giai đoạn đầu thực hành pháp, bạn phải cố gắng rất nhiều, phát
triển mọi phẩm chất tâm một cách kỹ lưỡng và phải gắn bó thật nhiều. Gắn bó với
Phật. Gắn bó với Pháp. Gắn bó với Tăng. Gắn bó một cách sâu sắc và vững chắc.
Đó là những gì Đức Phật dạy. Gắn bó một cách chân thành, chặt chẽ, kiên trì và
nhẫn nại.
Trong
quá trình đi tìm kiếm chân lý, tôi đã thử hầu hết mọi cách thức quán chiếu. Tôi
hy sinh cuộc đời mình vì Pháp, bởi vì tôi có lòng tin vào sự giác ngộ và vào
con đường đi đến đó. Những điều này thực sự tồn tại, như Đức Phật đã từng nói,
chúng có thật. Nhưng để chứng nghiệm được điều đó cần phải có sự thực hành, thực
hành đúng. Bạn phải cố gắng hết khả năng của mình. Phải có nghị lực và dũng cảm
để tu tập, để suy xét và để chuyển hóa triệt để. Phải có đủ dũng cảm để thực sự
làm những việc cần làm. Và bạn làm như thế nào? Huấn luyện tâm mình. Các suy
nghĩ trong đầu bảo rằng chúng ta phải đi theo hướng này, nhưng Đức Phật bảo
chúng ta phải đi hướng khác. Tại sao cần phải huấn luyện tâm? Bởi vì tâm mình vốn
bị chìm ngập và che phủ bởi phiền não. Một cái tâm chưa được chuyển hóa nhờ tu
tập là như thế. Nó không đáng tin cậy tý nào, vì vậy đừng có tin nó. Nó chưa phải
là trong sáng và thánh thiện. Làm sao chúng ta có thể tin một cái tâm không
thanh tịnh và thiếu sáng suốt? Vì vậy, Đức Phật dạy chúng ta chớ có đặt lòng
tin ở một cái tâm phiền não và ô nhiễm. Lúc ban đầu, tâm chỉ là tay sai của
phiền não, nhưng nếu chúng đi cùng với nhau một thời gian dài, tâm sẽ tự chuyển
hóa để trở thành chính phiền não. Chính vì thế Đức Phật dạy chúng ta chớ có tin
cái tâm mình.
Nếu
nhìn kỹ vào giới luật xuất gia, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả là để huấn luyện
tâm mình. Và bất cứ khi nào huấn luyện tâm, chúng ta đều cảm thấy bức bối và
khó chịu. Khi vừa cảm thấy bức xúc, khó chịu, chúng ta đã bắt đầu kêu ca: “Này
ông bạn, thực hành thế này khó quá! Không làm nổi”. Nhưng Đức Phật không nghĩ
như thế. Ngài cho rằng khi sự tu tập làm chúng ta cảm thấy bức bối và khó chịu,
điều đó có nghĩa là chúng ta đang thực hành đúng. Nhưng chúng ta thường không
chịu nghĩ như thế. Chúng ta nghĩ rằng đó là dấu hiệu cho thấy có cái gì đó sai.
Cái hiểu sai lầm này là cái làm cho sự thực hành của chúng ta trở thành khó
khăn đến vậy. Lúc đầu, chúng ta cảm thấy bức bối, khó chịu, vì vậy chúng ta
nghĩ mình thực hành sai. Tất cả mọi người đều muốn cảm thấy dễ chịu, nhưng
họ lại ít quan tâm đến việc nó đúng hay sai. Khi chúng ta đi ngược lại ý
muốn của phiền não và thách thức ái dục, thì tất nhiên chúng ta phải cảm thấy
khổ sở. Chúng ta cảm thấy bức bối, khó chịu, bực mình và rồi bỏ cuộc. Chúng ta
nghĩ mình đã đi sai đường. Tuy nhiên, Đức Phật nói mình đang đi đúng. Chúng ta
đang đối mặt với phiền não của mình, và nó chính là cái đang cảm thấy bức xúc
và khó chịu. Nhưng chúng ta thì lại cứ nghĩ mình bức xúc, mình khó chịu. Đức Phật
dạy đó chính là phiền não đang bị quậy tung lên và khó chịu. Nó y như vậy đối với
tất cả mọi người.
Đó
là lý do việc thực hành pháp đòi hỏi rất cao. Mọi người thường không chịu xem
xét mọi việc một cách rõ ràng. Thông thường, họ hay đi chệch sang một trong hai
hướng là đắm chìm dục lạc hoặc tự hành xác mình. Họ mắc kẹt trong hai cực đoan
này. Một mặt họ muốn chiều theo mọi đòi hỏi hưởng thụ của tâm mình. Thích cái
gì là làm cái ấy. Họ thích ngồi tiện nghi và thoải mái. Họ thích nằm ườn và duỗi
dài một cách lười biếng. Bất cứ cái gì họ làm, họ cũng đều tìm cách làm sao cho
được thoải mái. Đó là sự đắm chìm trong hưởng thụ dục lạc: bám víu vào cảm giác
dễ chịu. Đắm chìm như vậy thì làm sao tiến bộ được trong pháp hành?
Khi
không chìm đắm trong sự hưởng thụ dục lạc và cảm giác dễ chịu, chúng ta cảm thấy
bứt rứt không yên. Chúng ta thất vọng, tức giận và phát khổ phát sở vì điều đó.
Đó là rơi khỏi con đường giữa để sang cực đoan tự hành xác mình. Đó không phải
là con đường của các bậc thánh an tịnh, không phải con đường của những người
bình an. Đức Phật cảnh báo chúng ta đừng để rơi vào một trong hai cực đoan đắm
chìm hưởng thụ và tự hành xác như vậy. Khi có cảm giác dễ chịu, hãy hay biết nó
với chánh niệm. Khi có tâm sân, ác ý, bất an, hãy hiểu rằng bạn không còn đi
theo con đường của Đức Phật nữa. Đó không phải là con đường của người đi tìm
chân lý, nó là con đường của người đời. Một nhà sư bình an không đi xuống con
đường ấy. Họ đi thẳng con đường giữa, giữa một bên là hưởng thụ dục lạc và một
bên là tự hành xác. Đó là sự thực hành đúng.
Nếu
bạn muốn tu tập trong cuộc đời xuất gia, bạn phải đi theo con đường trung đạo,
không để hạnh phúc hay đau khổ làm động tâm mình. Hãy đặt chúng xuống. Nhưng nó
cảm giác như là chúng đang đá bạn lộn qua lộn lại. Đầu tiên nó đá ta từ
bên này, “Ái chà!”, rồi nó lại đã tiếp từ bên kia, “Ối giời!”. Chúng ta thấy
mình như cái mõ gỗ, bị đánh chao qua chao lại từ bên này qua bên kia. Trung đạo
là buông bỏ cả hạnh phúc lẫn đau khổ, và cách thực hành đúng là thực hành theo
con đường giữa. Khi sự khao khát hạnh phúc đập ta và chúng ta không làm nó thỏa
mãn, chúng ta sẽ cảm thấy đau đớn.
Đi
theo con đường trung đạo của Đức Phật rất gian khổ và đầy thử thách. Chỉ có hai
cực đoan tốt và xấu đó mà thôi. Nếu ta tin vào những gì chúng nói, chúng ta sẽ
phải làm theo mệnh lệnh của chúng. Nếu ta tức giận một ai đó, ngay lập tức
chúng ta đi tìm một cây gậy để đập người ta. Không chút nhẫn nại. Khi yêu một
ai đó, chúng ta muốn chăm sóc cô ấy/anh ấy từ đầu đến chân. Tôi nói có đúng
không? Hai thái cực ấy hoàn toàn trượt qua trung đạo. Đó không phải là điều Đức
Phật dạy. Lời dạy của ngài là dần dần buông bỏ những thứ đó xuống. Cách thực
hành của Ngài là con đường thoát ra khỏi luân hồi, không còn tái sanh nữa – một
con đường vượt ra khỏi sự trở thành, sanh hữu, vượt ra ngoài hạnh phúc và đau
khổ, tốt và xấu.
Những
người khao khát sinh tồn thường mù quáng, không thể nhìn thấy trung đạo. Họ rơi
khỏi trung đạo về phía hưởng thụ và rồi lại trượt qua trung đạo sang phía bất
an và bất toại nguyện. Họ lien tục bỏ qua điểm giữa. Nơi chốn thiêng liêng ấy
vô hìnhđối với họ khi họ cứ lộn qua lộn lại như vậy. Họ không trụ lạiở nơi
không có sanh hữu và tái sanh. Họ không thích nó, vì vậy họ không ở lại. Hoặc
là họđi xuống khỏi nhàđể bị chó cắn hay bay lên cao để bị kên kên mổđầu. Đó là
sinh hữu.
Con
người mù quáng không thấyđược cái vượt ra khỏi sự sinh tồn, không còn tái sinh.
Tâm con người bị che mờ, vì vậy thường xuyên bỏ qua nó. Con đường trung đạo màĐức
Phậtđãđi, con đường thực hành pháp chân chánh, vượt lên trên cả tái sinh và
sinh hữu. Cái tâm đã vượt ra ngoài cả thiện và bất thiệnấy là cái tâm đã giải thoát.
Đó là con đường của các bậc thánh nhân an tịnh. Nếu không đi con đườngđó, chúng
ta không bao giờ trở thành những bậc thánh như thế. Sự bình an thanh tịnhđó sẽ
chẳng bao giờ có cơ hội trổ quả. Bởi vì sao? Bởi vì tái sinh và sinh hữu. Bởi
vì sinh và tử. Con đường củaĐức Phật không có sinh tử. Không có thấp và cao.
Không có hạnh phúc vàđau khổ. Không có tốt, cũng chẳng có xấu. Đó là con đường
trực tiếp, con đường thẳng. Con đường bình an và tĩnh lặng. Nó bình an, không
cònđau khổ hay hạnh phúc, buồnđau hay sung sướng. Đó là cách chúng ta thực hành
pháp. Khi chứng nghiệmđiều này, tâm ta sẽ dừng lại. Nó sẽ dừng lại không cònđặt
câu hỏi nữa. Không còn cần tìm kiếm câu trả lời. Ngay đó rồi! Chính vì vậy Đức
Phật nói rằng Pháp là chỉ những người có trí mới tự mình giác hiểu. Không cần
phải hỏi ai hết. Chúng ta tự mình hiểu rõ không chút hồ nghi rằng mọi thứđều
chính xác nhưĐức Phậtđã nói.
Cống
hiến hết mình cho pháp hành
Tôi
đã kể cho các bạn nghe những câu chuyện về cách tôi đã thực hành pháp như thế
nào. Tôi chẳng có nhiều kiến thức. Tôi không học nhiều. Cái tôi học thực sự
chính là cái tâm này của tôi, và tôi học hỏi một cách tự nhiên thông qua những
kinh nghiệm thực tế, những thử nghiệm và sai lầm. Khi tôi thích một cái gìđó,
tôi liền quán sát xem cái gìđang diễn ra trong tâm mình và nó dẫn mìnhđi tớiđâu.
Điều không thể tránh khỏi là nó luôn luôn dẫn tôi đi tới một nỗi khổ nàođó
trong tương lai. Cách thực hành của tôi là quan sát chính bản thân mình. Khi hiểu
biết và tuệ giác trở nên ngày càng sâu sắc, dần dần tôi hiểuđược chính mình.
Hãy
thực hành hết mình, hãy cống hiến hết mình cho pháp hành. Nếu bạn muốn thực
hành Pháp, vậy thì hãy cố gắngđừng nghĩ quá nhiều. Nếu trong khi hành thiền, bạn
phát hiện mìnhđang cố gắng phấnđấuđểđạtđược một kết quả nàođấy, thì tốt nhất là
hãy dừng lại. Khi tâm đã lắng xuống và bình yên trở lại, bạn hãy suy xét: “Đó,
chính nóđấy! Có phải chính là nó hay không?”, rồi dừng lại. Dọn hết tất cả mọi
kiến thức lý thuyết và sự phân tích của bạn, gói kín lại và cất kín nó vào
trong tủ. Vàđừng lôi nó ra để mà bàn luận hay để dạy người. Đó không phải là loại
trí tuệ xuyên thấu vào bên trong tâm. Nó là loại kiến thức khác hẳn.
Khi
thấy ra sự thật về một cái gìđó, thì nó lại chẳng giống như nhữngđiềuđược mô tả
trong sách vở. Chẳng hạn, chúng ta viết từ “hưởng thụ dục lạc”. Khi dục lạc thực
sự làm chủ tâm chúng ta, cái từđó chẳng thể nào chuyển tảiđược nguyên ý nghĩa
như thực tế. “Sân” cũng như thế. Chúng ta có thể viết từấy lên bảng, nhưng khi
chúng ta thực sự nổi sân thì kinh nghiệmấy lại chẳng giống thế chút nào. Chúng
ta không thểđọc từấyđủ nhanh, mà tâm thìđã ngậpđầy bởi cơn sân.
Đây
làđiểm cực kỳ quan trọng. Những lời dạy củaĐức Phật về lý thuyết thì hoàn toàn
chính xác, nhưng điều quan trọng là phảiđưa nó vào trong tâm mình. Nó phảiđược
thẩm thấu vào bên trong. Nếu Pháp không được mang vào bên trong tâm, bạn sẽ
không thực sự hiểuđược nó. Không thực sự thấy pháp. Tôi cũng như vậy, không
khác. Tôi không học nhiều hiểu rộng, song tôi cũng họcđủđể qua được vài kỳ thi
về giáo lý. Một ngày nọ, tôi có cơ hộiđược nghe một bài thuyết pháp của một vị
thiền sư. Trong khi đang nghe pháp, bỗng một vài suy nghĩ bất kính xen vào. Tôi
không biết cách nghe một bài thuyết pháp thực sự như thế nào. Tôi không thể hiểu
nổi vị thiền sư du tăng nàyđang nói về cái gì. Ngài dạy cứ như thể nó xuất phát
từ kinh nghiệm trực tiếp của chính mình, cứ như là ngàiđang đi cùng chân lý.
Thời
gian trôi qua, mãi về sau khi đạtđược những kinh nghiệmđầu tiên trong thiền tập,
tôi đã tự mình thấyđược sự thật về những gì vị thiền sư năm xưa đã nói. Tôi mới
hiểuđược thế nào là hiểu biết. Rồi theo sau sự trỗi dậyđó, những tuệ giácđến dần.
Phápđãăn sâu bén rễ trong tâm tôi. Phải mất một thời gian rất, rất lâu tôi mới
nhận ra được rằng tất cả mọiđiều mà vị thiền sư du tăng thuyết hồiđó là từ
chính những gì ngàiđã tự mình chứng nghiệm. Pháp mà ngàiđã giảng dạyđến từ kinh
nghiệm thực tế của chính ngài chứ không phải từ sách vở. Ngài nói theo những hiểu
biết và tuệ giác của ngài. Khi chính mình bướcđi trên con đườngđó, tôi đã gặp
qua tất cả mọi chi tiết mà ngàiđã mô tả và phải công nhận rằng ngàiđãđúng. Vì vậy,
tôi tiếp tục thực hành.
Hãy
cố gắng tận dụng tất cả mọi cơ hội bạn có thể cóđể cố gắng thực hành Pháp. Dù rằng
có bình an hay không, ở thờiđiểm nàyđừng lo lắng vềđiềuđó. Ưu tiên hàng đầu là
khởiđộng việc thực hành pháp và tạo nhân duyên cho sự giải thoát trong tương
lai. Nếu bạnđã làm những việc cần phải làm, thì cần gì phải lo lắngđến kết quả.
Đừng lo rằng mình sẽ không đạt kết quả. Lo lắng không phải là bình an. Giả sử nếu
bạn không làm những việc cần làmđó, thì làm sao có thể trông đợi kết quả sẽđến?
Làm sao có thể hy vọng thấyđược nó? Chỉ những người gia công tìm kiếm thì mới
có thể thấy. Chỉ người nàoăn thì ngườiấy no. Tất cả mọi thứ xung quanh
chúng ta đều lừa dối chúng ta. Nhận rõđượcđiều này, thậm chí cả chục lầnđi nữa,
thì vẫn còn tốt chán. Nhưng gã lưu manh ấy vẫn tiếp tục lừa gạt chúng ta
bằng những câu chuyện dối trá xưa cũ. Nếu chúng ta biết hắnđang lừađảo mình,
thì sự việc không đến nỗi tệ lắm, nhưng có thể phải rất rất lâu chúng ta mới nhận
ra đượcđiều đó. Gã lưu manh nhẵn mặtđó vẫn cứđến thường xuyên và lừađảo
chúng ta hết cú nàyđến cú khác.
Thực
hành pháp là giữ giới, tu tậpđịnh và phát triển tuệ giác trong tâm mình. Hãy
ghi nhớ và suy xétđến ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Hãy buông bỏ hết thảy
mọi thứ, không trừ lại gì. Chính những hànhđộng của chúng ta là nhân và duyên sẽ
trổ quả ngay trong kiếp sống này. Vì vậy, hãy cố gắng hết mình, với tất cả tấm
lòng thành.
Ngay
cả khi chúng ta phải ngồi trên một chiếc ghế dựađể hành thiền, chúng ta vẫn có
thể tập trung chúý. Lúcđầu chúng ta không phải chúýđến nhiềuđề mục - chỉ cần
chúý vào hơi thở. Nếu thích chúng ta có thể niệm thầm “Phật”, “Pháp”, “Tăng”
(Budha, Dhamma, Sangha) theo từng hơi thở. Trong khi tập trung sự chúý, chúng
ta không được kiểm soát hơi thở. Nếu hơi thở trở nên mất tự nhiên hay khó chịu,
điều này cho thấy bạnđang thực hành sai cách. Khi còn chưa cảm thấy thoải mái với
hơi thở, thì nó vẫn còn quá nông hay quá sâu, quá vi tế hoặc quá thô tháo.
Nhưng khi chúng ta thư giãn với hơi thở, và thấy nó nhẹ nhàng, thỏa mái là
chúng ta biết cách thực hành. Nếu không làmđúng, chúng ta sẽ mất hơi thở. Khi
điềuđó xảy ra, thì tốt nhất là dừng lại một chút và thiết lập lại chánh niệm.
Nếu
trong lúc hành thiền, chúng ta thấy những hiện tượng lạ thường, hoặc tâm trở
nên sáng chói, tỏa hào quang hay nhìn thấy cảnh chư thiên này nọ v.v… không cần
phải sợ. Chỉđơn giản ghi nhận những gìđang kinh nghiệm và tiếp tục hành thiền.
Đôi khi, sau một lúc hành thiền, hơi thở trở nên chậm dần và ngừng lại. Cảm
giác thở hình như biến mất và bạn hoảng sợ. Đừng lo, chẳng có gì phải sợ cả. Bạn
chỉ nghĩ là hơi thở dừng lại thôi. Thực ra hơi thở vẫn cònđó, nhưng hoạtđộngở mứcđộ
vi tế hơn nhiều lúc bình thường. Sau một lúc, hơi thở sẽ tự trở lại bình thường.
Lúcđầu,
chỉ cần tập trung vào việc làm cho tâm tĩnh lặng và bình an. Dù cho đang ngồi
trên ghế, lái xe, bơi thuyền hay ở bất cứ nơi nào bạnđang có mặt, bạn cần phảiđủ
thành thục trong thiềnđến mức có thể trở lại trạng thái tĩnh lặngấy bất cứ lúc
nào mình muốn. Khi bạn lên tàu và ngồi xuống, hãy nhanh chóngđưa tâm mình vào
trạng thái tĩnh lặng. Ở bất cứ nơi nào bạn cũng có thể ngồi thiềnđược. Mứcđộ
thành thục này cho thấy bạnđã quen thuộc hơn với con đường thực hành. Khi đó bạn
hãy tập quán sát. Sử dụng sức mạnh của cái tâm bình an nàyđể quán sát những gì
bạnđang cảm nhận. Có lúcđó là những gì bạnđang thấy, có lúc là cái bạnđang
nghe, nếm, ngửi, đụng chạm hay là suy nghĩ và cảm xúc trong tâm. Bất cứ sự xúc
chạm giác quan nàođang tự thể hiện – dù bạn thích hay không thích nó – cũngđều
phải quán sát. Chỉđơn giản hay biết những gì bạnđang cảm nhận. Đừng diễn
dịch hay gán ghépý nghĩa cho nhữngđối tượng mìnhđang hay biết. Nếu nó tốt, chỉ
cần biết nó tốt. Nếu nó xấu, chỉ cần biết là nó xấu. Đó là thực tại quy ước do
con người chếđịnh. Tốt hay xấu, tất cảđều vô thường, khổ và vô ngã. Không thể
trông cậy gì vào chúng cả. Chẳng có cái nàođángđể cho chúng ta bám víu hay dính
mắc. Nếu bạn có thể duy trì thực hành tĩnh lặng và quán sát này, trí tuệ sẽ tựđộng
sanh khởi. Khi đó tất cả mọi thứđược bạn cảm nhận và kinh nghiệm rơi vào ba cái
giỏ vô thường, khổ, vô ngã. Đó là thiềnvipassāna. Tâm đãđược tĩnh lặng, mỗi khi
một trạng thái tâm bất thiện nào nổi lên, hãy ném chúng vào một trong ba cái giỏấy.
Đây chính là tinh yếu của thiềnvipassāna: ném tất cả mọi thứ xuống vô thường,
khổ, vô ngã. Tốt, xấu, kinh khủng hay bất cứ cái gì, vứt nó xuống. Chẳng bao
lâu, hiểu biết và tuệ giác sẽ bừng nở giữa ba đặc tướng phổ quátấy – mới là loại
tuệ giác yếu và mờ nhạt. Trong giai đoạnđầu, tuệ giác còn yếuớt và mờ nhạt,
nhưng hãy cố gắng duy trì sự thực hành một cách liên tục. Rất khóđể diễn tả
thành lời nói, nhưng nó giống như một người nàođó muốn hiểuđược tôi, họ phảiđến
vàởđây với tôi. Nhờ sự tiếp xúc hàng ngày, chúng ta mới hiểuđược nhau.
Hãy
tôn trọng truyền thống
Bây
giờ chính là lúc chúng ta phải bắtđầu thực hành thiền. Hành thiềnđể hiểu biết,
để buông bỏ vàđể bình an.
Trước
kia tôi là một nhà sư lang thang nay đây mai đó - một du tăng. Tôi đi bộ khắp
nơi để tìm thầy và tìm nơi độc cư hành thiền. Tôi không đi đây đóđể thuyết
pháp. Tôi đi nghe những bài pháp của các vị thiền sư vĩđại thờiđó. Tôi không đi
để dạy họ. Tôi lắng nghe bất cứ lời khuyên nào của họ. Ngay cả khi những vị sư
trẻ tuổi hay mới tu cố giảng pháp cho tôi, tôi cũng kiên nhẫn lắng nghe. Tuy
nhiên, tôi ít khi bàn luận về Pháp. Tôi chẳng thấy cóý nghĩa gì khi tham gia
vào những buổi thảo luận dài lê thê. Bất cứ lời dạy nào tôi đã chấp nhận, tôi
thực hành theo ngay lập tức, trực tiếp ngay nơi chúng dạy ta xả ly và buông bỏ.
Cái gì tôi làm, là tôi làmđể xả ly và buông bỏ. Chúng ta không nhất thiết phải
trở thành các học giả và chuyên gia về kinh điển. Chúng ta đang giàđi dần theo
năm tháng, và mỗi ngày trôi qua chúng ta chỉ chộp lấy nhữngảoảnh vàđể tuột mất
thực tế. Thực hành pháp là một việc hoàn toàn khác với việc nghiên cứu về nó.
Tôi
không chỉ trích bất cứ phương pháp thiền nào. Khi chúng ta đã hiểu mụcđích vàý
nghĩa thật sự của phương pháp, chúng không hề sai. Tuy nhiên, tự coi mình là một
thiền sinh Phật giáo mà không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, thì theo tôi, sẽ
không bao giờđạtđược thành công. Tại sao? Bởi vì chúng ta đã bỏ qua một phần cốt
yếu của con đường. Bỏ qua giới, thìđịnh và tuệ sẽ không thể hoạtđộngđược. Có thể
một số người sẽ nói với bạn rằng không nên dính mắc vào sự an lạc của thiền chỉ:
“Đừng mất công thực hành thiền chỉ; hãy tiến thẳng vào tuệ và thiềnvipassāna”.
Như tôi thấy, nếu chúng ta cố tránhđể tiến thẳng vào thiềnvipassāna, chúng ta sẽ
không thể hoàn thành cuộc hành trình một cách tốtđẹp.
Đừng
từ bỏ cách thực hành và phương pháp của các vị thầy danh tiếng trong truyền thống
thiền rừng, như thiền sưAjhan Sao, Ajhan Mun, Ajhan Taungrut, Ajhan Upali. Con
đường các vịấy dạy thực sựđáng tin cậy và thực tế - nếu chúng ta làmđúng phương
pháp của các vị. Nếu chúng ta đi theo bước chân của các vị thầy, chúng ta
cũng sẽ có được hiểu biết thực sự về chính bản thân mình. Thiền sư Ajhan Sao
gìn giữ giới hạnh của mình một cách hoàn hảo. Ngài không nói chúng ta nên bỏ
qua nó. Các vị thầy lỗi lạc của dòng tu thiền rừng gợi ý cần phải thực
hành thiền và giới luật theo một cách nhất định, thì vì lòng kính trọng với các
ngài, chúng ta nên thực hiện theo những gì các ngài đã dạy. Nếu các ngài dạy phải
làm như thế, thì chúng ta hãy làm như thế. Nếu các ngài nói không làm nữa
vì như vậy là sai, thì chúng ta không làm nữa. Chúng ta làm điều đó vì đức
tin. Chúng ta làm điều đó với lòng chân thành và quyết tâm không lay chuyển.
Chúng ta thực hành cho đến khi thấy Pháp ở chính trong tâm mình, cho đến
khi mình chính là Pháp. Đó chính là những gì các vị thầy trong rừng đã dạy. Đệ
tử của các ngài ngày càng tăng trưởng niềm kính trọng, ngưỡng mộ và tình cảm
sâu sắc với các ngài, vì đi theo con đường của các ngài, họ đã thấy được những
gì mà thầy mình đã thấy.
Hãy
thử thực hành. Hãy làm đúng những gì tôi nói. Nếu bạn thực sự thực hành, bạn sẽ
thấy Pháp, bạn sẽ là Pháp. Nếu bạn thực sự tìm kiếm, thì cái gì có thể ngăn bạn
được? Các phiền não trong tâm sẽ biến mất khi bạn tiếp cận chúng với một chiến
lược đúng đắn: hãy là một người xuất ly, từ bỏ, người nhàm chán với thế gian,
biết đủ với những thứ ít ỏi, từ bỏ tất cả mọi quan kiến bắt nguồn từ bản ngã và
ảo tưởng tự cho mình là quan trọng. Khi đó bạn sẽ có thể đủ kiên nhẫn để lắng
nghe mọi người, ngay cả khi họ nói ra toàn những điều sai trái. Bạn cũng có thể
kiên nhẫn lắng nghe cả khi họ nói đúng. Hãy tự kiểm tra mình theo cách này mà
xem. Tôi đảm bảo với các bạn, hoàn toàn có thể làm được, nếu bạn thử. Tuy nhiên
các nhà học giả lại hầu như chẳng có ai đến và thực hành pháp cả. Cũng có một
vài người, nhưng rất ít. Thật là xấu hổ. Việc bạn đi cả một quãng đường dài đến
đây thăm tôi cũng là việc đáng hoan hỷ rồi. Nó cho thấy sức mạnh ở bên trong
tâm của bạn. Một số chùa chỉ khuyến khích các sư học kinh điển. Họ học và học,
cứ học mãi như vậy chẳng biết lúc nào dừng, và chẳng cắt bỏ những gì cần cắt bỏ.
Họ chỉ học mỗi từ “bình an”. Nhưng khi bạn dừng lại, tĩnh lặng, bạn sẽ phát hiện
ra những thứ có giá trị thực sự. Đó là cách bạn tìm hiểu vấn đề. Sự tìm
hiểu này thực sự giá trị và hoàn toàn cố định. Nó đi thẳng vào những gì bạn học
trong sách vở. Nếu các nhà học giả Phật học mà không thực hành thiền, thì họ chỉ
có kiến thức mà không có hiểu biết. Chỉ khi họ thực hành những gì Đức Phật dạy,
thì những điều họ đã học mới trở nên sống động và rõ ràng.
Vì
vậy, hãy bắt đầu thực hành đi thôi. Hãy phát triển loại hiểu biết đó. Hãy thử sống
ở rừng và đến đây, sống ở một trong những cái cốc nhỏ này. Tu tập thử theo cách
này một thời gian và tự mình thể nghiệm, nó còn có giá trị hơn việc đọc sách
nhiều. Khi đó bạn có thể tự đàm luận pháp với chính mình. Trong khi quan sát
tâm, hãy làm như thể đã buông bỏ và yên nghỉ trong trạng thái tự nhiên của nó.
Từ trạng thái tĩnh lặng tự nhiên này, khi đó nó lăn tăn, xao động dưới dạng các
suy nghĩ và khái niệm, đó là lúc tiến trình điều kiện hoá của các hành (sankhara)
đang bắt đầu vận hành. Hãy cẩn thận và quan sát kỹ tiến trình điều kiện hoá ấy.
Một khi nó xao động, dịch chuyển và rời khỏi trạng thái tự nhiên này, sự thực
hành Pháp sẽ không còn đi đúng hướng nữa. Nó sẽ sa vào một trong hai cực đoan
là hưởng thụ (lợi dưỡng) hoặc tự hành hạ mình (khổ hạnh). Chính tại chỗ đó. Đó
chính là cái làm cho mạng lưới điều kiện hoá (các hành) của tâm nảy nở. Nếu
trạng thái tâm tốt, nó sẽ tạo ra các hành tích cực. Nếu trạng thái tâm xấu, các
hành ấy là tiêu cực. Những thứ ấy bắt nguồn từ chính trong tâm bạn.
Tôi
nói cho các bạn biết điều này, quan sát cách thức tâm mình vận hành ra sao là một
việc vô cùng thú vị. Tôi có thể nói về chỉ một đề tài này suốt cả ngày không
chán. Khi bạn hiểu được cách thức hoạt động của tâm mình, bạn sẽ thấy rõ tiến
trình này vận hành ra sao, cách tâm bị phiền não và ô nhiễm tẩy não như thế
nào. Tôi nhìn tâm mình chỉ đơn thuần là một điểm duy nhất. Các trạng thái tâm
chỉ là những vị khách ghé thăm điểm đó. Lúc thì người này đến gọi một tiếng,
lúc thì kẻ khác đến chơi một tẹo. Họ đến trung tâm tiếp đón khách. Hãy rèn luyện
cái tâm mình luôn quan sát và biết tất cả các vị khách ấy bằng một con mắt tỉnh
giác. Đó là cách bạn quan tâm chăm sóc cho tâm mình. Mỗi khi có khách tới thăm,
bạn chỉ cần xua họ sang một bên. Nếu bạn không cho họ vào, thì họ ngồi ở đâu được?
Chỉ có mỗi một cái ghế và bạn đang ngồi trên đó. Hãy giữ vững cứ điểm đó
suốt ngày.
Đó
chính là chánh niệm vững chắc không hề lay chuyển của Đức Phật; nó canh gác và
bảo vệ tâm. Bạn đang ngồi đúng nơi đây. Từ lúc bạn chào đời, tất cả mọi khách
khứa đến thăm đều đến đúng chỗ này. Cho dù họ đến liên tục đến đâu chăng nữa,
thì cũng chỉ đến đúng mỗi điểm này mà thôi. Hãy biết tất cả bọn họ, chánh niệm
của Đức Phật một mình ngồi vững nơi đó, không thể lay chuyển. Những người khách
đó đi đến đây để tìm cách tác động, gây ảnh hưởng và lôi kéo tâm bạn bằng nhiều
cách khác nhau. Khi chúng xâm nhập thành công và lôi kéo tâm mắc mớ trong
các vấn đề của chúng, các trạng thái tâm sẽ sanh khởi. Bất kể đó là vấn đề gì,
câu chuyện gì, mỗi khi nó dẫn dắt mình đi, hãy bỏ qua nó ngay – nó không quan
trọng. Chỉ đơn giản biết vị khách đó là ai khi họ đến cửa. Khi họ ghé vào, họ
thấy có mỗi một cái ghế, khi nào bạn còn ngồi trên cái ghế đó, họ sẽ không có
chỗ để ngồi. Họ đến nghĩ là sẽ rót vào tai bạn những câu chuyện vô bổ, nhưng lần
này thì chẳng có chỗ mà ngồi. Lần sau họ đến, cũng chẳng có ghế. Dù những kẻ
thích tán gẫu ấy đến bao nhiêu lần cũng thấy vẫn cái gã ấy ngồi nguyên xi trên
ghế. Bạn vẫn không nhúc nhích. Bạn nghĩ là chúng sẽ chịu được tình trạng này
bao lâu? Chỉ cần nói chuyện qua với chúng là bạn đã biết rõ chúng rồi. Tất cả mọi
người và tất cả mọi thứ mà bạn từng biết kể từ khi va chạm với cuộc đời sẽ đến
thăm bạn. Chỉ đơn giản quan sát và biết mình chính tại nơi này là đủ để thấy
pháp một cách hoàn toàn. Bạn tự mình thảo luận, quan sát và quán chiếu.
Đó
là cách bạn đàm luận Pháp. Tôi chẳng biết nói về chuyện gì sất cả. Tôi có thể
tiếp tục nói nữa theo cách này, nhưng cuối cùng thì cũng chẳng có gì ngoài nói
và nghe. Tôi khuyên bạn hãy thực sự bắt tay vào thực hành.
Thuần
thục trong thiền tập
Nếu
tự nhìn lại chính mình, bạn sẽ phải đối mặt với những vấn đề nhất định. Có con
đường để định hướng bạn đi theo. Khi bạn tiếp tục tiến bước, tình trạng đó sẽ
thay đổi và bạn sẽ phải tự điều chỉnh để vượt qua những vấn đề mới nảy sinh. Cần
cả một thời gian tu tập rất dài bạn mới có thể thấy được những dấu mốc tiến bộ
rõ ràng. Nếu bạn đi đúng theo cùng một con đường tôi đã đi qua, nhất định hành
trình đó sẽ phải diễn ra ở chính trong tâm bạn. Nếu không phải vậy, bạn sẽ gặp
phải vô số chướng ngại.
Cũng
y như việc bạn nghe một tiếng động. Nghe là một thứ, tiếng động là một thứ
khác, chúng ta có thể ý thức được cả hai thứ đó mà không phải ghép sự kiện đó lại.
Chúng ta lấy từ tự nhiên những nguyên liệu thô để quán chiếu tìm hiểu
chân lý. Cuối cùng tâm sẽ tự phân chia, mổ xẻ các hiện tượng tự nhiên đó. Chỉ
đơn giản cung cấp nguyên liệu đầu vào, tâm chẳng dính líu đến quá trình ấy. Khi
tai thu nhận tiếng động, hãy quan sát cái gì đang diễn ra trong tâm mình. Tâm
có dính vào, rối tung lên và bị tiếng động ấy cuốn đi hay không? Tâm có bị khó
chịu hay không? Ít nhất cũng phải hay biết được những điều đó. Khi một tiếng động
được chánh niệm ghi nhận, nó sẽ không quấy rối tâm. Ở ngay tại đây, chúng ta
ghi nhận những thứ thực tế đang có sẵn trong tay chứ không phải chạy đi đâu xa
cả. Ngay cả khi chúng ta muốn chạy trốn khỏi tiếng động, cũng chẳng có chỗ mà
chạy. Lối thoát duy nhất là rèn luyện tâm mình để trở nên không lay động trước
tiếng động. Buông bỏ tiếng động xuống. Tiếng động mà chúng ta buông bỏ đó,
chúng ta vẫn nghe được. Chúng ta nghe, nhưng cho nó đi qua, bởi vì chúng ta đã
buông bỏ nó xuống. Không phải cố ý tách biệt tiếng động và cái nghe, chúng tự động
tách rời nhau bởi vì sự buông bỏ. Ngay cả khi chúng ta muốn bám víu tiếng động,
tâm cũng sẽ không dính vào. Bởi một khi đã hiểu được bản chất thật sự của hình ảnh,
âm thanh, mùi, vị và mọi thứ còn lại, tâm sẽ nhìn với tuệ giác rõ ràng, tất cả
mọi thứ được cảm nhận, không trừ ngoại lệ nào, sẽ rơi vào một trong ba đặc tướng
phổ quát là vô thường, khổ, vô ngã.
Mỗi
khi nghe tiếng động, nó sẽ hiểu theo những đặc tướng ấy. Bất cứ khi nào có sự
xúc chạm của tiếng động với tai, chúng ta nghe thấy, nhưng dường như không
nghe. Không phải là tâm không hoạt động: chánh niệm và tâm đan xen và hợp làm một
để giám sát lẫn nhau liên tục. Khi tâm đã được rèn luyện đến mức này, dù chọn
đi đường nào chăng nữa, chúng ta cũng vẫn đang tìm hiểu chân lý. Chúng ta
sẽ phân tích các hiện tượng (trạch pháp), một trong các giác chi cốt yếu, và
chính sự phân tích này sẽ tự động tiến triển bằng quán tính của nó.
Hãy
tự đàm luận Pháp với chính bản thân mình. Tháo gỡ và giải phóng các cảm xúc, ký
ức, suy nghĩ, tưởng tượng, các ý định và tâm thức. Không có cái gì có thể động
chạm đến chúng khi chúng tự thể hiện các chức năng của mình. Đối với những người
đã làm chủ thành thục tâm mình, tiến trình suy xét và quán chiếu này sẽ tự động
trôi chảy. Không còn phải cố ý định hướng cho nó nữa. Bất cứ chỗ nào tâm hướng
đến, sự quán chiếu tự khắc có mặt.
Khi
thực hành Pháp đến trình độ này, sẽ có một lợi ích phụ rất thú vị nữa. Trong
khi ngủ, các hiện tượng ngáy, nghiến răng, vật vã qua lại, tất cả các thói xấu ấy
không còn nữa. Ngay cả sau một giấc ngủ rất say, khi thức dậy chúng ta không bị
lờ đờ, hôn trầm nữa. Chúng ta sẽ cảm thấy đầy sức sống, luôn tỉnh táo như thể
chưa bao giờ ngủ cả. Trước kia tôi thường ngáy, nhưng khi tâm trở nên tỉnh thức
trong mọi lúc như thế, tự nhiên không còn ngáy nữa. Làm sao mà ngáy được khi bạn
tỉnh? Chỉ là cái thân này dừng lại, ngủ nghỉ thôi. Tâm luôn luôn tỉnh thức suốt
ngày đêm. Đó chính là chánh niệm thuần khiết ở mức độ cao của Đức Phật: Người
luôn hay biết, người tỉnh thức, người luôn tràn đầy hỷ lạc, người chiếu sáng rực
rỡ. Sự tỉnh giác rõ ràng này không bao giờ ngủ. Năng lượng của nó luôn tự bảo tồn,
không bao giờ lơ mơ, hay gật gù buồn ngủ. Ở giai đoạn này, chúng ta có thể
không cần ngủ suốt hai, ba ngày mà không sao cả. Khi thân có dấu hiệu mệt mỏi,
chúng ta ngồi xuống hành thiền và ngay lập tức nhập sâu vào định trong khoảng
5-10 phút. Khi ra khỏi định, chúng ta cảm thấy hoàn toàn tươi mới và đầy sức sống
cứ như vừa dậy sau một đêm ngon giấc. Khi không còn phải bận tâm cho cái thân
này nữa, thì ngủ hay không không còn quan trọng. Chúng ta thực hiện những biện
pháp cần thiết để chăm sóc cho cái thân này mạnh khoẻ, nhưng không còn lo lắng
cho nó nữa. Để cho nó đi theo quy luật tự nhiên. Chúng ta không phải bắt thân
mình phải tuân theo ý mình. Nó sẽ tự biết phải như thế nào. Như thể có ai đó
luôn ở đó thúc ép chúng ta phải cố gắng tiến lên. Khi chúng ta lười, liền có giọng
nói bên trong hò hét bắt ta phải chăm chỉ lên. Ở thời điểm này, không thể có bế
tắc nữa, bởi vì sự nỗ lực và tiến bộ đã có một quán tính không gì có thể ngăn
chặn được. Bạn hãy tự mình thể nghiệm chính điều này. Bạn đã học pháp học cả một
thời gian quá dài rồi. Bây giờ là lúc phải học hỏi và tìm hiểu về chính bản
thân mình.
Trong
giai đoạn đầu thực hành pháp, thân ẩn cư (sống một mình) là điều tối quan trọng.
Khi sống một mình, bạn sẽ nhớ lại lời dạy của Ngài Sariputta (Xá Lợi Phất):
“Thân ẩn cư là nhân, duyên để khởi lên tâm ẩn cư, những trạng thái định thâm
sâu thoát ly khỏi trần cảnh. Tâm ẩn cư này lại là nhân duyên của tỵ phiền não ẩn
cư (xa rời phiền não), chứng đạo”. Ấy thế mà nhiều người dám nói rằng sống ẩn
cư không quan trọng, “nếu tâm bạn bình an thì ở đâu chẳng quan trọng”. Đúng thế,
nhưng ở giai đoạn đầu chúng ta cần nhớ rằng sống một mình ở một nơi thích hợp
là điều đầu tiên cần phải có. Ngay ngày hôm nay, hoặc một lúc nào đó sớm sớm,
hãy tìm một nơi hoả táng xác người xa vắng nào đó ở trong rừng, xa con người.
Hãy thử nghiệm sống hoàn toàn một mình như thế xem. Hay đi tìm một ngọn núi
hoang vắng rùng rợn nào đó. Hãy đi và sống một mình nơi đó, được không? Bạn sẽ
có khối niềm vui trong suốt đêm dài. Chỉ khi đó bạn mới tự mình hiểu được. Ngay
cả bản thân tôi ngày xưa cũng có lúc nghĩ rằng độc cư không phải là điều quan
trọng lắm. Lúc đó tôi nghĩ thế, nhưng một lần tôi đã thực sự đi và thử sống một
mình như vậy, tôi suy nghĩ về những gì Đức Phật đã dạy. Đức Thế Tôn khuyến
khích các đệ tử tìm những nơi hoang vắng xa con người để thực hành pháp. Lúc đầu,
thân ẩn cư xây nên nền tảng vững chắc cho tâm ẩn cư, và chính điều này sẽ hỗ trợ
để đạt được trạng thái xa lánh mọi phiền não trong tâm (tỵ phiền não ẩn cư).
Chẳng
hạn, nếu bạn là một người cư sỹ sống trong gia đình. Bạn có được loại ẩn cư
nào? Khi bạn quay về nhà, ngay khi mới bước chân vào cửa bạn đã bị tấn công bởi
đủ thứ vấn đề phức tạp và hỗn loạn. Chẳng thể có được thân ẩn cư. Vì vậy bạn
tìm đến một nơi xa vắng, nơi có bầu không khí hoàn toàn khác ở nhà để hành thiền.
Điều quan trọng là phải hiểu rõ được tầm quan trọng của việc sống một mình,
tách biệt với mọi người trong giai đoạn đầu thực hành pháp. Rồi sau đó bạn tìm
một vị thầy để xin học thiền. Vị thầy sẽ hướng dẫn, khuyên bảo và chỉ ra những
chỗ bạn còn hiểu sai, bởi vì chỗ sai thường chính là những chỗ bạn vẫn nghĩ là
đúng. Chính chỗ bạn sai là những chỗ bạn cho là mình hiểu đúng. Khi thầy giảng
giải, bạn sẽ hiểu được đâu là cái sai, và nhất định chỗ sai đó chính xác là chỗ
bạn vẫn cho là mình đúng.
Theo
tôi được biết, nhiều nhà sư chuyên nghiên cứu pháp học chỉ tìm kiếm chân lý
trong sách vở. Chẳng có lý do gì mà lại không thể nghiệm trong thực tế. Lúc mở
sách ra và học, chúng ta học theo cách đó. Nhưng khi đã cầm vũ khí lên để chiến
đấu, chúng ta phải chiến đấu theo những cách chưa chắc đã có trong sách vở.
Nếu một chiến sỹ vào trận mà chỉ chiến đấu theo sách thì sẽ không thể địch lại
được đối thủ. Nếu người chiến sỹ đó thực sự chân thành và thực sự chiến đấu,
anh ta phải chiến đấu một cách vượt ra ngoài lý thuyết sách vở. Đó là cách phải
làm để chiến thắng. Những lời dạy của Đức Phật trong kinh điển chỉ là những hướng
dẫn và ví dụ để đi theo, và đôi khi chính việc nghiên cứu kinh điển lại khiến bạn
cẩu thả, vội vàng trong cách hiểu.
Thử
thách đến tận cùng
Con
đường của các vị thầy theo truyền thống tu trong rừng là con đường từ bỏ. Trên
con đường này chỉ có buông bỏ. Chúng ta nhổ bật gốc rễ của những lối suy nghĩ tự
cho mình là quan trọng. Nhổ bật gốc rễ của cái tôi, cái ngã. Tôi đảm bảo với bạn,
cách thực hành này sẽ thử thách bạn đến tận phần cốt lõi sâu kín nhất, nhưng dù
nó khó khăn đến đâu cũng đừng bao giờ bỏ thầy và những lời dạy của các ngài.
Không có sự hướng dẫn đúng đắn thì tâm và định rất dễ lừa dối chúng ta. Những
điều tưởng chừng không thể có sẽ bắt đầu xuất hiện. Tôi luôn luôn nhìn những hiện
tượng ấy một cách cảnh giác và chú ý. Khi còn trẻ, trong những năm đầu tiên mới
học thiền, tôi thậm chí còn không dám tin vào tâm mình nữa. Tuy nhiên, khi đã đạt
được những kinh nghiệm tương đối và có thể tin tưởng hoàn toàn vào sự vận hành
của tâm mình, thì không gì có thể tạo ra vấn đề nữa. Ngay cả khi những hiện tượng
khác thường xảy đến, tôi cứ để kệ nó như thế. Nếu chúng ta lần ra được cách thức
chúng vận hành ra sao, thì chúng sẽ tự biến mất. Nó chỉ là nhiên liệu cho trí
tuệ. Thời gian trôi đi, chúng ta sẽ thấy mình hoàn toàn thoải mái với chúng.
Trong
thiền, những thứ thường không sai lại có thể sai. Chẳng hạn, chúng ta ngồi
bắt chéo chân đầy quyết tâm và thề: “Được rồi, lần này quyết không suy nghĩ
lung tung nữa. Tôi sẽ tập trung tâm. Hãy nhìn mà xem”. Cách này chẳng bao giờ
thành công cả. Mỗi lần tôi thề như thế, thiền chẳng tiến lên được tý nào hết.
Nhưng chúng ta thường thích hô khẩu hiệu. Từ những gì tôi đã trải qua, tôi thấy
rằng thiền tự động tiến triển theo nhịp độ của chính nó. Rất nhiều đêm
tôi ngồi thiền và tự nói với mình: “Được rồi, đêm nay tôi sẽ không đứng dậy khỏi
chỗ ngồi này trước 1g sáng”. Thậm chí chỉ với suy nghĩ này thôi mà tôi đã tạo
nghiệp xấu rồi, bởi vì không lâu sau cái đau trong thân tấn công tôi từ mọi
phía, nó áp đảo tôi đến nỗi tôi cảm tưởng mình sắp chết đến nơi. Nhưng những
lúc tôi hành thiền tốt lại là những lúc tôi chẳng tự đặt trước thời gian ngồi
là bao lâu. Tôi chẳng đặt trước là 7g, 8g, hay 9g sẽ đứng dậy, mà chỉ đơn giản
ngồi, duy trì liên tục như vậy, buông xả mọi thứ.Đừng bao giờ cưỡng ép hành thiền.
Đừng cố gắng suy diễn những gì đang diễn ra.Đừng thúc ép tâm mình bằng những
tham vọng thiếu thực tế như phải nhập vào định chẳng hạn – nếu không bạn sẽ thấy
tâm mình náo loạn và ương bướng hơn thường lệ. Chỉ cần để tâm mình thư giãn,
buông lỏng, thoả mái và yên lành.
Để
hơi thở trôi chảy tự nhiên, không bắt nó phải ngắn hay dài. Đừng biến nó thành
một cái gì đặc biệt. Để thân mình thả lỏng, thoải mái và thư giãn. Rồi cứ tiếp
tục như thế. Tâm sẽ hỏi bạn: “Tối nay chúng ta sẽ hành thiền đến lúc nào nhỉ? Mấy
giờ thì xả thiền?”. Nó không ngừng mè nheo, nên bạn phải quát cho nó một trận:
“Nghe này ông tướng, để tao yên”. Kẻ lắm chuyện đó cần phải thường xuyên bị đàn
áp, bởi vì nó chẳng là gì khác ngoài phiền não đang quấy rầy bạn. Đừng để ý đến
nó. Bạn phải cứng rắn với nó. “Dù tao có xả thiền sớm hay muộn cũng không phải
là việc của mày. Nếu tao muốn ngồi thiền cả đêm thì cũng chẳng liên quan gì đến
ai cả, tại sao mày cứ chõ mũi vào việc của tao hả?” Bạn phải cắt phéng cái gã
hay chõ mũi vào việc người khác đó như thế. Rồi bạn có thể hành thiền đến lúc
nào tuỳ thích, đến khi nào thấy đủ thì thôi.
Khi
bạn để tâm thư giãn và thoải mái, nó sẽ trở nên bình yên. Trải nghiệm điều đó,
bạn sẽ nhận ra và đánh giá được sức mạnh của sự dính mắc. Bạn tiếp tục ngồi như
thế, thật lâu, quá nửa đêm, rất thoả mái và thư giãn, khi đó bạn mới hiểu được
thiền chỉ đơn giản là như vậy. Bạn sẽ hiểu được rằng dính mắc và chấp thủ thực
sự làm ô nhiễm tâm mình ra sao.
Một
số người khi ngồi thiền, họ thắp một nén hương (nhang) trước mặt và thề: “Tôi sẽ
không đứng dậy trước khi nén hương này cháy hết”. Rồi họ ngồi. Sau khi ngồi và
cảm thấy hình như một tiếng đã trôi qua, họ mở mắt ra và thấy mới được có 5
phút. Họ trợn mắt nhìn cây hương, thất vọng khi thấy sao mà cây hương này dài
quá vậy! Họ nhắm mắt lại và tiếp tục thiền. Không lâu sau lại mở mắt kiểm tra
cây hương lần nữa. Những người này sẽ chẳng hành thiền đến đâu được hết. Đừng
làm như thế. Chỉ ngồi đó mà mơ đến cây hương, “Không biết nó đã cháy hết chưa
nhỉ?!”, thiền chẳng đi đến đâu cả. Đừng coi những việc ấy là quan trọng. Tâm
không cần phải làm điều gì đặc biệt hết.
Nếu
bạn thực hiện nhiệm vụ phát triển tâm linh, chớ để phiền não và tâm tham biết mục
đích và các nguyên tắc của bạn. “Đại Đức sẽ hanh thiền như thế nào ạ?”, nó sẽ
dò hỏi, “Ngài sẽ thực hành nhiều đến đâu? Ngài định ngồi thiền muộn đến mấy giờ?”.
Tâm tham sẽ không ngừng làm phiền cho đến khi chúng ta phải đi đến thoả thuận.
Một khi chúng ta tuyên bố là sẽ ngồi thiền đến nửa đêm, ngay lập tức nó bắt đầu
quấy phá. Chưa được một giờ là chúng ta đã cảm thấy mất kiên nhẫn và bứt rứt đến
mức không thể tiếp tục được nữa. Thế rồi lại thêm nhiều chướng ngại tấn công
khi chúng ta tự mắng mỏ mình: “Thật là hết hy vọng! Cái gì? Ngồi thiền có thể
giết được mình hay sao? Mình nói sẽ làm cho tâm mình an trú vững chắc trong định,
thế mà nó vẫn bất an và chạy lung tung thế này. Mình đã thề thốt mà chẳng giữ lời”.
Những suy nghĩ tự phản đối và chán nản ấy tấn công bạn, và bạn chìm nghỉm trong
sự oán ghét bản thân mình. Chẳng có ai khác để đổ lỗi và tức giận cả, và chính
điều đó làm cho mọi thứ tệ hơn. Một khi đã buông lời thề, chúng ta phải giữ. Hoặc
là phải thực hiện lời thề hoặc là chết trong khi thực hiện. Nếu đã thề ngồi thiền
trong suốt một khoảng thời gian nào đó, chúng ta không nên phá vỡ lời thề và bỏ
dở. Nhưng cùng lúc đó, hãy thực hành và phát triển một cách dần dần. Không cần
phải có những lời thề ghê gớm. Cố gắng rèn luyện tâm mình một cách kiên trì và
đều đặn. Thi thoảng, thiền đem lại sự bình an, mọi đau đớn và khó chịu biến mất.
Cái đau ở đầu gối và mắt cả chân cũng tự hết.
Khi bắt tay vào thực hành thiền, nếu những hình ảnh lạ lùng, những ảo ảnh hay
các loại tưởng sinh lên, việc đầu tiên là hãy kiểm tra lại trạng thái tâm của
mình. Đừng bao giờ quên nguyên tắc cơ bản này. Để những hình ảnh đó sinh lên
như vậy, là tâm đã tương đối bình an. Đừng tham muốn nó xuất hiện, cũng không
mong nó đừng có đến. Nếu nó sinh khởi, hãy xem xét nó kỹ, nhưng đừng để nó lừa
mình. Chỉ cần nhớ rằng nó không phải là của mình. Chúng cũng vô thường, khổ và
vô ngã như mọi thứ khác. Ngay cả khi chúng là thật thì cũng đừng nghiền ngẫm
hay chú ý quá mức đến chúng. Nếu chúng cứng đầu không chịu đi, thì hãy tập
trung sự chú ý lại vào hơi thở với sự tinh tấn mạnh mẽ hơn. Hãy hít sâu vào ít
nhất là ba hơi thở thật dài, mỗi hơi lại thở ra chầm chậm cho đến hết. Cái mẹo
này có thể thành công. Tiếp tục thiết lập lại sự chú ý.
Đừng
tìm cách sở hữu những hiện tượng đó. Chúng chẳng là gì khác ngoài cái bản thân
chúng đang là, và chúng cũng rất hay lừa dối. Hoặc là chúng ta thích thú
và say mê chúng, hoặc là bị chúng làm cho sợ đến phát khiếp. Chúng không đáng
tin cậy: có thể không đúng hoặc có vẻ đúng. Nếu bạn thấy chúng xuất hiện, đừng
cố gắng diễn dịch ý nghĩa của chúng hay gán cho chúng một ý nghĩa nào đó. Nên
nhớ rằng chúng không phải của chúng ta, vì vậy đừng chạy theo những hình ảnh
hay cảm giác ấy. Thay vào đó, ngay lập tức hãy quay lại kiểm tra trạng thái tâm
hiện tại của mình. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Nếu chúng ta từ bỏ nguyên
tắc cơ bản này và bị cuốn theo những gì chúng ta tin là mình đã thấy, chúng ta
sẽ quên mất bản thân mình và bắt đầu nói nhảm hoặc thậm chí điên khùng. Chúng
ta có thể mất lý trí đến mức thậm chí không thể giao tiếp được với người khác một
cách bình thường. Hãy đạt lòng tin của bạn vào chính tâm mình. Bất cứ điều gì
diễn ra, chỉ đơn giản tiếp tục quan sát tâm. Những kinh nghiệm thiền khác lạ có
thể có lợi cho người trí tuệ, nhưng sẽ nguy hiểm cho những người thiếu trí. Bất
cứ cái gì xảy ra, đừng phấn khích hay vui mừng. Nếu kinh nghiệm diễn ra, hãy để
nó diễn ra.
Đừng
bao giờ từ bỏ thiền
Một
phương pháp khác để tiếp cận Pháp hành là quán chiếu và xem xét tất cả mọi thứ
chúng ta thấy, chúng ta làm hoặc trải nghiệm (cảm nhận được, ý thức được ..). Đừng
bao giờ bỏ thiền. Một số người sau khi kết thúc ngồi thiền hoặc đi kinh hành, họ
nghĩ rằng đó là lúc ngừng lại và nghỉ ngơi. Họ không chú tâm đến đề mục thiền
hoặc lĩnh vực đang quán chiếu nữa. Họ hoàn toàn bỏ lửng. Đừng thực hành như thế!
Bất cứ cái gì bạn thấy, hãy tìm hiểu xem thực sự bản chất nó là gì. Xem
xét những người tốt trên thế gian. Xem xét cả những người xấu nữa. Hãy
nhìn sâu sắc vào những người giầu có và quyền lực; và cả những kẻ bần cùng, khốn
khổ. Khi bạn nhìn thấy một đứa trẻ, một người già, một người con trai, con gái
trẻ tuổi, hãy tìm hiểu ý nghĩa của già. Tất cả đều là nhiên liệu cho quá trình
quán chiếu. Đó là cách bạn tu tập tâm của mình.
Sự
quán chiếu dẫn đến chứng ngộ Pháp là quán chiếu về nhân duyên, tiến trình
nguyên nhân-kết quả, và mọi hình thức thể hiện của nó: cả lớn lẫn nhỏ, đen và
trắng, tốt và xấu. Tóm lại, tất cả mọi thứ. Khi bạn suy nghĩ, hãy nhận ra rằng
đó chỉ là một suy nghĩ và quán chiếu rằng nó chỉ là như thế, chẳng gì khác. Tất
cả những thứ đó đều cuốn vào nghĩa địa của vô thường, khổ, vô ngã, vì vậy đừng
có dính mắc, bám víu vào bất cứ thứ gì. Đây là nghĩa địa của tất cả mọi hiện tượng.
Thiêu và chôn chúng đi để chứng ngộ sự thật.
Có
được tuệ giác về vô thường nghĩa là không để cho bản thân mình phải chịu đau khổ.
Nó là việc quán chiếu bằng trí tuệ. Chẳng hạn, khi có được một cái gì đó tốt đẹp
hay thích thú, chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Hãy nhìn thật kỹ, thật liên tục vào
cái đẹp, cái thích đó của mình. Đôi khi, sau khi có được những điều tốt đẹp ấy
một thời gian dài, chúng ta lại chán ngấy. Chúng ta muốn đem cho hoặc bán nó
đi. Nếu không có ai muốn mua, chúng ta sẵn sàng vứt bỏ nó. Tại sao vậy? Lý do đằng
sau động lực ấy là gì? Tất cả mọi thứ đều vô thường, đều thay đổi, chẳng có gì
còn mãi, đó là lý do. Nếu không thể bán được hay vứt đi được, thế là chúng ta bắt
đầu khổ não vì nó. Toàn bộ vấn đề chỉ là như thế, một khi một việc đã được hiểu
rõ hoàn toàn, thì tất cả mọi việc khác cũng đều như thế, dù có khởi lên bao
nhiêu chăng nữa. Đơn giản mọi việc chỉ là như thế. Như một câu tục ngữ đã
nói: “Đã nhìn thấy một, sẽ thấy tất cả”.
Đôi
khi chúng ta gặp phải những điều mình không thích. Có lúc phải nghe những tiếng
ồn và cảm thấy bực bội, khó chịu. Hãy quán sát, tìm hiểu và ghi nhớ nó. Bởi vì,
một lúc nào đó trong tương lai, có thể chúng ta lại thích chính những tiếng ồn
đó. Chúng ta có thể thích thú với chính những thứ mà trước kia chúng ta đã từng
ghét cay ghét đắng. Hoàn toàn có thể! Khi đó, chúng ta sẽ thấy rất rõ ràng bằng
tuệ giác: “A ha, tất cả mọi thứ đúng là vô thường, chẳng thể nào hoàn toàn mãn
nguyện, và vô ngã”. Ném chúng vào nghĩa địa của 3 đặc tướng phổ quát ấy. Sự chấp
thủ, dính mắc vào những thứ chúng ta đã, đang và vẫn say mê, thích thú sẽ không
còn nữa. Chúng ta sẽ nhìn thấy tất cả mọi thứ về bản chất đều như nhau. Tất
cả mọi thứ chúng ta trải nghiệm sẽ sản sinh ra tuệ giác xuyên thấu các pháp.
Tất
cả những điều tôi nói ở trên chỉ đơn giản là để bạn nghe và suy nghĩ. Tôi chỉ
nói chuyện, thế thôi. Khi mọi người đến đây, tôi nói. Những thể loại chuyện như
thế này không phải là thứ để chúng ta ngồi túm tụm và tán gẫu hàng giờ với nhau.
Hãy thực hành nó. Hãy đến đó và bắt tay làm đi. Giống như chúng ta gọi bạn mình
đi đâu đó. Chúng ta mời họ đi. Họ đã trả lời đồng ý. Thế rồi chúng ta im lặng lờ
tịt đi. Chúng ta nói cho đủ, cho thật đã, rồi bỏ đó. Tôi có thể nói cho bạn một
vài điều về thiền tập, bởi vì tôi đã hoàn thành công việc đó. Nhưng bạn biết đấy,
tôi có thể sai thì sao. Công việc của bạn là phải tìm hiểu và tự mình tìm ra
xem những điều tôi nói đó có phải là thật hay không.
[1]Chánh niệm, hiểu
một cách đơn giản, là sự ý thức về bản thân mình, là sự chú ý và quan
sát một cách khách quan, như thật (ghi nhận thuần túy) những gì xảy ra trong
thân và tâm mình trong hiện tại: các cử động của cơ thể, các tính chất-cảm
giác: nóng-lạnh, cứng-mềm, sự chuyển động…, cảm giác xúc chạm trên thân, cảm
giác thở; các cảm xúc: buồn, giận, mừng, vui, cô đơn, tham dục… cho đến những
hoạt động tâm lý vi tế: suy nghĩ, tưởng tượng, cơ chế phiền não, những chiều hướng
tâm lý, định kiến, chấp thủ, ảo tưởng… Chánh niệm, có thể nói là trung tâm
của phương pháp tu tập tâm do Đức Phật thuyết dạy, dẫn đến phát triển trí tuệ
trực giác, nhận chân được sự thật tuyệt đối của thân-tâm chúng ta là vô thường,
khổ, vô ngã, do đó đoạn diệt tận gốc rễ những gốc phiền não-đau khổ (kiết
sử) trong tâm con người.
Pháp
hành thiền chánh niệm là sự huân tập một thói quen luôn chú ý và ý thức về bản
thân mình trong mọi lúc, luôn quay lại quan sát-cảm nhận-ghi nhận thân-tâm mình
trong hiện tại, một cách trực tiếp (chứ không phải bằng suy nghĩ hay thông
qua ý niệm, ngôn từ)…và phát triển sự tỉnh giác, ý thức về chính mình
một cách liên tục và sâu sắc. Người thực hành chánh niệm có thể tập ghi nhận những
gì nổi bật, dễ ghi nhận nhất như là các cử động của thân khi đi, đứng, nằm, ngồi,
sinh hoạt…các cảm giác trong thân, sự xúc chạm…hoặc là cảm giác thở vào-ra khi
ngồi thiền, cảm giác trên chân khi bước đi… Thậm chí, Thiền sư Mahasi Sayadaw
còn dạy phương pháp niệm thầm: chạm.. chạm, đưa tay..đưa tay, bước.. bước, quay
người…quay người, nóng..nóng, lạnh…lạnh, giận…giận, buồn..buồn…trong giai đoạn
đầu thực hành để thiền sinh tự nhắc mình quay lại ghi nhận bản thân. Khi chánh
niệm đã liên tục và tự động, thì chỉ còn lại sự ghi nhận thuần túy mà
không cần phải gọi tên. Ghi nhận thuần túy là thể loại cơ bản và nguyên chất nhất
của chánh niệm.
[2] Chữ Pháp
trong đạo Phật có ý nghĩa rất rộng. Pháp có nghĩa là tất cả mọi sự vật, hiện tượng
trên thế gian; Pháp có nghĩa là phương pháp tu tập dẫn đến giải thoát do Đức Phật
thuyết dạy; Pháp cũng có nghĩa là các quy luật tự nhiên (di truyền, nghiệp,
tâm, vật lý-hóa học...). Chữ Pháp thiền sư nói ở đây là các quy luật của tâm và
nghiệp.
[3][3] Thực ra
các thuật ngữ Phật Pháp (nhất là trong Vi Diệu Pháp) rất khó dịch và diễn giải
bằng tiếng Việt, bởi vì chúng không có mặt trong vốn từ vựng thuần Việt của
chúng ta. Các nhà nghiên cứu Phật học ở Việt Nam từ trước đến nay đều phải vay
mượn từ chuyên môn của Trung Quốc nên rất khó hiểu đối với đa phần người học Phật.
Hơn nữa nghĩa của chúng hoàn toàn mơ hồ, mỗi người hiểu một cách. Bởi vì bản
thân thuật ngữ Phật học của Trung Quốc cũng là vay mượn từ tiếng Sankrit (mà tiếng
Sankrit là ngôn ngữ của tầng lớp Bà La Môn Ấn Độ, không phải ngôn ngữ Đức Phật
sử dụng để thuyết pháp. Khi thuyết pháp ở vùng Bắc Ấn, Đức Phật sử dụng tiếng
Magandha, là ngôn ngữ gốc của tiếng Pali dùng để ghi chép kinh điển Nguyên thủy
ngày nay). Thuật ngữ Phật học tiếng Hán đa phần vay mượn từ các truyền thống tư
tưởng và tôn giáo bản địa của Trung Quốc nên nghĩa đã khác xa những gì Đức Phật
thực sự dạy cách đây hơn 2500 năm. Vì vậy, chúng tôi cố gắng tránh sử dụng các
thuật ngữ Phật học gốc Trung Quốc, mà sẽ diễn giải, trong giới hạn từ vựng, bằng
ngôn ngữ thuần Việt, để định nghĩa lại các từ chuyên môn gốc Trung Quốc chúng
tôi buộc phải sử dụng. Tất nhiên, không thể nào hoàn toàn chính xác, bởi vì bản
thân ngôn ngữ thuần Việt của chúng ta cũng rất hạn hẹp để giải thích những thuật
ngữ mà Đức Phật đã dùng – chính Ngài cũng sử dụng một số thuật ngữ sẵn có của
Sankrit thời Ấn Độ cổ, nhưng đã định nghĩa lại để tránh hiểu sai. Nếu muốn thực
sự hiểu, chúng ta phải có sự nghiên cứu sâu sắc và đầy đủ về kinh điển Pali, phải
thực hành và thực sự kinh nghiệm trong thực tế những gì Đức Phật đã nói đến
trong kinh điển. Để thực hành, với sự hướng dẫn của một vị thầy về pháp hành,
không cần quá nhiều đến các khái niệm và thuật ngữ Phật học mơ hồ ấy, mà sẽ dẫn
đến cái hiểu trực tiếp về chúng bằng kinh nghiệm thực tế. Nếu chỉ dựa vào những
cái hiểu sai khi đọc kinh điển (đã dịch sang tiếng Việt) để gom nhặt kiến thức
Phật Pháp, và dựa vào đó để thực hành, nhất định sẽ dẫn đến sự lầm đường lạc lối
không thể tránh khỏi.
[4] Ngũ giới:
một người Phật tử nên cố ý tránh xa 5 việc bất thiện loại thô tháo nhất, đó là
sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất say. Đây là nền tảng
giới hạnh cơ bản nhất cho sự phát triển tâm linh. Người làm những hành động bất
thiện này, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà có thể sẽ phải tái sanh trong những cảnh
giới khổ như Súc sanh, Atula, Ngạ quỷ, Địa ngục.
[5] Phiền não
(kilesa) là những gốc ô nhiễm trong tâm, những trạng thái tâm làm động lực thúc
đẩy chúng ta làm các hành động bất thiện. Trong tâm một con người bình thường
phiền não tồn tại dưới rất nhiều hình thức và cung bậc khác nhau. Nó thường được
rút gọn thành ba loại phiền não cơ bản là tham, sân và si như là nguồn gốc của
tất cả các loại phiền não. Trạng thái tồn tại căn bản của phiền não được gọi là
lậu hoặc (āsava), nghĩa là những gì bị tiết ra, rỉ ra như mủ rỉ ra từ vết
thương. Lậu hoặc là những thứ cần phải đoạn trừ để đạt tới giác ngộ giải thoát.
Do đó, phẩm chất tâm linh cốt yếu và cao cả nhất của một bậc thánh Alahán là āsavakkhaya,
lậu tận. āsavadịch ra theo nghĩa đen là phiền não tùy miên (phiền nãongủ
ngầm – anusaya kilesa), ám chỉ những gốc ngủ ngầm nằm ẩn trong những tầng
mức sâu kín nhất của tâm. Những gốc ngủ ngầm này cực kỳ vi tế và khó quan sát,
nhưng luôn chờ cơ hội để hiển lộ ra thành các loại phiền não, chi phối những
hành động về thân, khẩu, ý của chúng ta.
[6] Sát na định
là định kéo dài trong khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng lặp đi lặp lại liên tục. Bởi
vì chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc (sát na), nên nó không nhất thiết phải giữ
nguyên trên một đề mục duy nhất, mà có thể trên nhiều đề mục thay đổi liên tục.
Sát na định là nền tảng không thể không có để phát triển tuệ quán đến đạo quả,
bởi vì dù có đắc các tầng thiền chỉ, thì thiền sinh cũng không thể quán chiếu
khi còn ở trong tầng thiền ấy, mà phải xuất ra khỏi nó, sử dụng sát na định để
quán chiếu các đề mục thay đổi trong thân-tâm, nhằm trực nhận các đặc tính vô
thường, khổ, vô ngã của chúng. Thiền chỉ sử dụng khái niệm làm để mục, chỉ sử dụng
một đề mục duy nhất và loại trừ các đề mục khác. Thiền vipassana sử dụng thực tại
chân đế làm đề mục và đề mục mở rộng, bất cứ đối tượng nào trong thân tâm cũng
có thể là đề mục có giá trị như nhau. Khái niệm (tên gọi, ý niệm... ta đặt cho
sự vật, hiện tượng) thì không có vô thường, khổ, vô ngã. Chỉ có thực tại được
nhận thức trực tiếp (các tính chất tự nhiên: nóng, lạnh, cứng, mềm, nặng, nhẹ,
chuyển động...) mới có vô thường, khổ, vô ngã.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét