23 thg 2, 2014

Vượt qua cảm thọ để gặt hái những kinh nghiệm nội quán


 Ngày nay, việc thực hành thiền minh sát đang rất hưng thịnh. Những người có kiến thức cho rằng thiền minh sát là đáng tin cậy và bất cứ ai cũng có thể thực hành nó. Rất nhiều người có tâm mong muốn nhưng chưa có cơ hội để tiếp cận với thiền minh sát. Có lẽ họ đang cố gắng học tập một phương pháp đúng đắn để thực hành loại thiền này.
Trong các quốc gia trên thế giới, nhiều học giả và những người học tập về thiền đã quan tâm nghiên cứu một cách cẩn thận để xem thử phương pháp thực hành thiền minh sát có mang tính khoa học hay không, một người thực hành thiền minh sát đã làm thế nào để khám phá được bản chất tự nhiên của thân tâm con người. Nếu thực hành thiền minh sát một cách đúng đắn ( đúng theo phương pháp mà Đức Phật đã truyền dạy cho các đệ tử của Ngài ), thì bạn sẽ tự tìm thấy được bản chất tự nhiên trong thân tâm của chính mình một cách rạch ròi và tự nhận thấy rằng, đây là một phương pháp thực hành thiền mang tính khoa học cao rất đáng tin cậy. Thiền minh sát là một phương pháp khoa học xử dụng trực giác để khám phá ra bản chất tự nhiên của thân tâm con người. Chính Đức Phật đã tìm thấy phương pháp này bằng sự hiểu biết tối thượng của Ngài. Đức Phật cũng đã giải thích cho các đệ tử của Ngài một cách chi tiết về phương pháp thực hành thiền đúng đắn mà Ngài đã tìm thấy, đó là thiền minh sát. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, các vị đệ tử của Đức Phật đã thực hành thiền đúng theo phương pháp mà vị thầy đáng tôn kính của họ chỉ dạy. Qua thực tế, những vị đệ tử ấy đã tìm thấy được bản chất tự nhiên của thân tâm họ một cách có khoa học và đã gặt hái được hạnh phúc thật sự. Bằng việc thực hành thiền minh sát với một phương pháp đúng đắn và có hệ thống, bạn sẽ nhận biết được bản chất tự nhiên của thân tâm mình thông qua kiến thức nội quán- vipassanā ñāna ( Insight knowledge-  kinh nghiệm hiểu biết có được nhờ thực hành sự chú ý vào phần bên trong của thân tâm để khám phá ra bản chất của chúng) và trải nghiệm được những cảm thọ ( tức cảm giác-Vedanā) phát xuất từ thân thể. Có 3 loại cảm thọ :
 1.Dukkha Vedanā – khổ thọ (  cảm giác khó chịu, khổ sở - Unpleasant sensation ).
 2. Sukha vedanā – lạc thọ (  cảm giác sung sướng, dễ chịu, hài lòng – Pleasant sensation).
 3. Upekkhā Vedanā – thọ vô ký tính hay cảm giác trung tính  ( tức cảm giác không dễ chịu và cũng không khó chịu – Neither unpleasant nor pleasant sensation or Neutral sensation)
Theo trật tự trong Giáo Pháp mà Đức Phật đã truyền bá ( Desanā – Preaching), Ngài đã thuyết về lạc thọ trước, sau đó Ngài mới thuyết về khổ thọ và vô ký tính. Tuy nhiên, qua quá trình thực hành thiền minh sát, người ta đã nhận thấy một thực tế rằng, khổ thọ là loại cảm giác thường khởi lên trong thân thể trước. Sau đó lạc thọ và thọ vô ký tính mới khởi lên sau. Chỉ bằng cách chú ý đến 3 loại cảm thọ nói trên và vượt qua chúng, bạn mới có khả năng đạt tới Niết Bàn như đã hằng mong muốn. Để vượt qua được 3 loại cảm thọ này, bạn cần phải thực hành như sau :
 1. Đối với khổ thọ, bạn phải vượt qua nó tựa như khi rút một mũi tên ra khỏi cơ thể mình ( tức phải chịu đau đớn, nhức mỏi, khiếp sợ…)
 2. Đối với lạc thọ, bạn phải thực hành thiền cho đến khi nhận thức được rằng, nó chính là nguyên nhân của sự khổ.
 3. Đối với thọ vô ký tính, chúng ta phải chiêm nghiệm được rằng, nó chính là trạng thái vô thường. Đây là những lời giáo huấn của Đức Phật.
 - Bạn cần phải rút được khổ thọ ( Dukkha vedanā – Unpleasant sensation ) ra khỏi tâm của mình tựa như khi rút một mũi tên ra khỏi cơ thể. Công việc này được ví von như sau : Một người nông dân đang làm việc trên một cánh đồng, thỉnh thoảng anh ta bị gai đâm vào lòng bàn chân. Nếu anh ta không chịu nhổ cái gai ra và cứ tiếp tục làm việc thì không bao lâu sau, công việc của anh ta sẽ bị gián đoạn ngay, bởi vì anh ta sẽ không thể chịu nổi cái đau do bị gai đâm ( khổ thọ). Nếu cứ làm theo cách ấy ( tức không chịu dừng lại để nhổ cái gai ra khỏi lòng bàn chân mà cứ tiếp tục làm việc), anh ta sẽ lãng phí thời gian và bị kiệt sức vì đau. Chỉ khi chịu khó nhổ cái gai ra khỏi lòng bàn chân của mình ngay sau khi bị nó đâm vào, anh ta mới có thể tiếp tục làm việc một cách bình thường được, mặc dù vẫn còn hơi bị đau nhưng với thời gian, anh ta sẽ cảm thấy hết đau và vui sướng vì đã loại trừ được cái gai quái ác. Nếu một người thực hành thiền minh sát không cố gắng vượt qua được cảm giác đau nhức, buồn chán… ( khổ thọ) cũng giống như thế, nghĩa là người này cứ để mặc cho khổ thọ tồn tại trong tâm mình và cố gắng chịu đựng chúng. Khi trạng thái đau nhức ( khổ thọ) đang khởi lên trong tâm mà bạn cứ duy trì sự chú ý trên hơi thở vào và hơi thở ra hoặc chuyển động đang phồng xẹp lên xuống của bụng thì tâm của bạn sẽ không bao giờ trầm tĩnh được. Nói cách khác, bạn không bao giờ định tâm ( Samādhi) được, bởi vì khổ thọ đã di chuyển sang một hướng khác và có thể nó đã đi sâu vào trong tiềm thức của bạn. Đó là sự né tránh khổ thọ chứ không phải là đối diện để có thể vượt qua nó. Trạng thái đau nhức và khổ sở ( khổ thọ) khởi lên trong tâm là rất rõ ràng. Khi đang duy trì sự chú ý trên hơi thở vào và hơi thở ra hoặc trên chuyển động đang phồng xẹp lên xuống của bụng thì tâm của bạn đã không hội tụ trực tiếp trên các khổ thọ ( như cảm giác đau nhức, khổ sở…). Vì vậy, khổ thọ đã bị di chuyển sang một hướng khác. Cảm giác đau nhức, khổ sở… cuối cùng vẫn tồn tại đâu đó trong tâm của bạn, chúng sẽ làm cho bạn nản chí và không còn muốn thực hành thiền nữa. Vì vậy, khi các khổ thọ khởi lên trong tâm, thì việc cần làm trước tiên của bạn là phải duy trì sự tập trung chú ý lên chúng, tâm của bạn phải hội tụ trực tiếp và liên tục lên khổ thọ đang hiện khởi để vượt qua chúng. Cũng giống như việc cần làm trước tiên của người nông dân kia khi bị gai đâm vào lòng bàn chân là ngay lập tức phải nhổ cái gai ra. Khi đang bị khổ thọ hành hạ, thay vì phải lập tức vượt qua nó thì có thể bạn lại chiêm nghiệm để tìm cách thoát khỏi nó. Nếu thực hành theo cách như thế thì tâm của bạn sẽ bị căng thẳng, bởi vì ngay lúc đang chiêm nghiệm thì tâm của bạn nghĩ rằng bạn đang bị khổ thọ hành hạ. Vì tâm của bạn đã nghĩ như thế cho nên nó đã bị dính mắc vào khổ thọ và trở nên bị căng thẳng, dẫn đến thân của bạn cũng căng thẳng theo. Chúng ta phải cẩn thận để tâm của mình không bị dính mắc vào trạng thái căng thẳng như vừa nêu ở trên, mỗi khi đang cố gắng vượt qua các khổ thọ trong suốt quá trình thực hành thiền. Bạn đừng có băn khoăn hay lo lắng về cách thức để dập tắt khổ thọ, dù nó có tan biến đi hay không cũng mặc nó, cứ để cho nó diễn ra theo tiến trình tự nhiên của riêng nó. Bạn cứ giữ cho tâm trí của mình trầm tĩnh và mát mẻ một cách tự nhiên. Bạn cần phải hội tụ sự chú ý của mình trực tiếp lên khổ thọ khi chúng đang khởi lên. Sau khi đã hội tụ sự chú ý trực tiếp lên khổ thọ, bạn cố gắng khám phá khổ thọ hiện đang nằm ở đâu trên thân mình, nó đang nằm trên thịt hay trên da, ở trong huyết quản hay đã thông qua xương… Bạn phải tập trung sự chú ý thật sâu để nhận biết bản chất tự nhiên của khổ thọ càng lâu càng tốt, cụ thể là chú ý lên cảm giác đang đau, đang ngứa, tim đang đập mạnh… Khi sự tập trung chú ý của bạn không hội tụ được trên một bộ phận nào của thân thể, như khi lưng đang bị đau, hông đang bị đau, đầu gối đang bị đau,  đầu đang bị ngứa, tim đang đập mạnh… thì bạn không thể nào loại bỏ được khổ thọ ra khỏi tâm mình. Khổ thọ sẽ tiêu hủy chỉ khi nó bị năng lực tập trung chú ý của tâm hội tụ một cách trực tiếp và chính xác lên nó. Sự chú ý của tâm phải được thực hiện một cách chính xác trên khổ thọ. Sự chú ý này phải được thực hiện một cách nghiêm túc và tích cực trên các loại khổ thọ như : Đang đau, đang ngứa, đang chóng mặt…”. Khi năng lực tập trung tâm ý của bạn đã trở nên mạnh mẽ bằng cách liên tục thực hiện sự chú ý, sau 4 hoặc 5 lần chú ý chính xác và liên tục, bạn sẽ nhận thấy rằng khổ thọ đang gia tăng cường độ. Khi khổ thọ đã đạt tới đỉnh điểm thì cường độ nó bắt đầu giảm dần và chuyển đến một nơi khác hoặc biến mất hẳn. Khi cường độ của khổ thọ đang giảm dần, bạn vẫn cứ duy trì sự chú ý lên nó. Liền sau đó, nhờ vào năng lực tập trung tâm ý đã trở nên mạnh hơn, bạn sẽ nhận thức được rằng, khổ thọ đang tan biến đi cách nhanh chóng. Bạn cần phải chú ý và nhận biết được trạng thái đang tan biến đó. Khi năng lực định tâm đã phát triển đủ mạnh, nếu lại tập trung chú ý đến khổ thọ khi chúng đang khởi lên trong tâm mình, bạn sẽ lãnh hội được rằng, khổ thọ đã tan biến ngay lập tức khi chúng vừa mới bị bạn chú ý đến. Ở một trình độ thực hành sự chú ý cao hơn nữa, bạn sẽ nhận thức được rằng sự chú ý của tâm trí cũng đã tan biến luôn. Bằng cách đó, bạn đã trải nghiệm được trạng thái tan biến của cảm thọ và sự chú ý của tâm trí. Như vậy, bạn đã biết cách xử dụng năng lực chú ý để vượt qua được cảm thọ. Do đó, tâm sân hận ( một dạng  khổ thọ) đã bị loại trừ. Khi đã vượt thoát được tâm sân hận, quí vị sẽ nhận thức được Niết Bàn, một cảnh giới hay trạng thái mà ở đó sân hận tiến đến trạng thái chấm dứt đúng như hạnh nguyện Ba-La-Mật của chính bạn.
 - Đối với lạc thọ ( Sukha Vedanā), chúng ta phải thực hành thiền cho đến khi nhận thức được rằng, nó chính là nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Điều này có nghĩa là : Bằng cách thực hành thiền minh sát để trải nghiệm được trạng thái thanh thản của thân tâm ( lạc thọ) và nhận thức được rằng lạc thọ chỉ khởi lên rồi tan biến đi như một hiện tượng ( Udayabbayana – Only rising and pasing away as a phenomenon). Do đã cố gắng nắm giữ và bám víu vào lạc thọ, tâm của bạn mới bị dính mắc vào nó. Nếu muốn không bị dính mắc vào lạc thọ khi nó đang khởi lên trong tâm, bạn phải chú ý một cách tích cực, chính xác và liên tục lên nó, đồng thời niệm thầm “ Lạc thọ, lạc thọ”…Sau đó bạn sẽ nhận thức được rằng, lạc thọ đã bị loại bỏ với một tốc độ cực kỳ nhanh. Trạng thái xuất hiện và biến mất đi một cách nhanh chóng của các hiện tượng nói chung dường như đã tạo ra một áp lực cho bạn. Vì vậy, bạn phải nhận thức được rằng trạng thái này chính là khổ đau  (  Dukkha – Suffering). Khi bạn đã nhận thức được rằng, lạc thọ chính là nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Tâm quyến luyến và gắn bó vào lạc thọ chính là tham lam, vì vậy nó cũng là một nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Tâm quyến luyến và bám víu vào lạc thọ sẽ bị loại bỏ chỉ khi bạn đã có khả năng vượt thoát khỏi tâm tham lam. Đến lúc đó, bạn mới có thể nhận thức được Niết Bàn –một cảnh giới hay trạng thái mà ở đó tâm tham lam đã tiến đến chỗ chấm dứt đúng như hạnh nguyện Ba-La-Mật hay sự hoàn thành bổn phận của chính bạn.
 - Đối với thọ vô ký tính ( Upekkhā Vedanā - Neutral sensation), bạn phải thực hành thiền để nhận thức được nó là vô thường nghĩa là : Khi đang thực hành thiền minh sát, bạn chợt nhận thấy tâm mình đi vào một trạng thái lâng lâng rất khó tả. Trạng thái này không dễ chịu cũng không khó chịu. Lúc đó, sự chú ý của bạn đã bị lạc vào một lằn ranh nằm giữa khổ thọ và lạc thọ. Trạng thái này sẽ tạo cho bạn một cảm giác thanh thản và thoải mái. Đây chính là lúc thọ vô ký tính đang khởi lên trong tâm của bạn. Thọ vô ký tính sẽ làm cho năng lực chú ý của bạn bị xả giãn ra. Do đó, bạn khó nhận thức được tính vô thường của nó. Bạn sẽ khó nhận thức được thọ vô ký tính đã tan biến đi như thế nào, bởi vì nó thường xuất hiện theo một cách thức rất huyền ảo và có thể  kéo dài hàng giờ, thậm chí cả ngày. Bạn cần lưu ý rằng trạng thái vô thường ( Anicca- impermanence) này sẽ đưa chúng ta đến với vọng tưởng ( Moha- Delusion). Vì vậy, trong quá trình thực hành thiền, khi sự chú ý bị buông lỏng, bắt đầu trở nên huyền ảo và khiến cho bạn có cảm giác lâng lâng khó tả. Ngay lúc đó, bạn phải lập tức quay lại chú ý một cách tích cực vào trạng thái đang chuyển động phồng xẹp lên xuống của bụng.
Từ đó, bạn sẽ nhận thức được trạng thái tan biến của thọ vô ký tính như là một hiện tượng vô thường . Tiếp đến, bạn cũng sẽ khám phá ra rằng, sự chú ý của tâm trí cũng đã biến mất luôn. Chuyển động đang phồng xẹp lên xuống của bụng là nhất thời và nó cũng vô thường như là tiến trình chú ý của tâm trí. Bạn cũng sẽ nhận thức được dấu hiệu của vô thường trong những tiến trình này. Trạng thái tan hoại hay biến mất đi với một tốc độ cực kỳ nhanh chóng của các hiện tượng dường như đã gây ra một áp lực lên tâm trí của bạn. Vì vậy, nó chính là “ khổ”. Bạn cũng đã nhận thức được dấu hiệu của khổ, bởi vì biết rằng không có cách nào có thể giúp cho bạn  ngăn chặn được trạng thái tan hoại của các hiện tượng như :  Khổ thọ, lạc thọ và thọ vô ký tính...Vì vậy, bạn đã nhận thức được dấu hiệu của vô ngã. Khi đã nhận thức được tính vô thườngkhổ và vô ngã, thì vọng tưởng ( tức trạng thái vô minh -moha - delusion) trong tâm của bạn sẽ bị triệt tiêu. Vọng tưởng chính là thọ vô ký tính. Nó làm cho tâm của chúng ta bị lù đù và trở nên đần độn. Khi vọng tưởng đã bị loại trừ khỏi tâm trí, bạn sẽ nhận thức được Niết Bàn –một cảnh giới hay trạng thái mà ở đó vọng tưởng đã đi đến chỗ chấm dứt đúng như hạnh nguyện Ba-La- Mật của chính bạn.


Trích từ:
Pháp Như Ý (Tập 1)
 Ngài Trưởng Lão Tăng Thống Mahāsī

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét