28 thg 12, 2013

Những phương pháp nên suy xét hằng ngày


Kinh Pháp Cú (Dhammapada) có nói: "Thương yêu sanh ra lo, thương yêu sanh ra sợ. Không thương yêu thì không lo, không sợ. Ham muốn sanh ra lo; ham muốn sanh ra sợ. Không ham muốn thì không lo, không sợ".
Mà lo sợ là khổ. Bởi đâu có thương yêu ham muốn? Bởi vô minh.

Vô Minh (Avijjā) nghĩa là không biết, là không biết thiệt, không biết giả, thiệt nói là giả, giả nói là thiệt, như ba điều này:
1. Vạn vật trong tam giới đều không bền vững lâu dài; nay dời mai đổi (Aniccaṃ) mà mình lại cho là bền vững.
2. Nếu vạn vật không bền vững thì là khổ (Dukkhaṃ), mà mình cho là vui.
3. Chẳng có một vật gì là thật của ta (Anattā) mà mình lại cho là của ta (vợ ta, con ta, của cải ta).
Bởi cái lầm tưởng ấy nên mình mới có lòng sa mê vào cảnh trần giả dối. Có sa mê mới có chịu khổ đến ngày nay vậy.
Chúng sanh trong sáu đường (Trời, người, a tu la, ngạ quỉ, súc sanh, địa ngục) nào có ai được bền vững lâu dài đâu; nay còn mai mất; nay tạo mai diệt; nay dời, mai đổi; nay hiệp mai tan. Xem coi cha mẹ ta, chồng ta, vợ ta, con ta, sanh ra rồi thì lật bật kế già, đau, chết, nào có ai trẻ hoài mà không già, đến khi già thì lo sợ, lo sợ là khổ. Nào có ai sống hoài mà không chết, đến khi gần chết thì lo sợ, lo sợ là khổ. Nào có ai hiệp hoài mà không lìa, đến khi lìa thì lo sợ, lo sợ là khổ. Nào có ai thạnh hoài mà không suy, đến khi suy thì lo sợ, lo sợ là khổ. Thật vậy, chẳng có một ai tránh khỏi các sự khổ ở đời.
Bởi có vô minh mới có tưởng lầm, làm quấy, cho cái giả là thật, cho cái khổ là vui, mới có thương yêu ham muốn, sa mê theo ngũ trần dục lạc là:
1. Mắt hay tìm xem sắc tốt.
2. Tai hay tìm nghe tiếng hay.
3. Mũi hay tìm ngửi mùi thơm.
4. Lưỡi hay tìm nếm vị ngon.
5. Thân hay ưa sự rờ rẫm, vuốt ve rồi cho đó là thú vị tuyệt vời, ngoài ra chẳng còn một vật gì là khoái lạc hơn nữa.
Than ôi! Thiệt là lầm thay, ấy cũng vì mình sa đắm trong năm món trần đó, cho nên chơn tánh, mới lu mờ, tinh thần mới ám muội, tạo nên nghiệp ác lâu dày, mắc phải trầm luân khổ hải, từ đời vô thủy nhẫn lại đây, chẳng biết bao nhiêu kiếp mà kể cho xiết.
Nếu muốn thoát khỏi cái khổ sanh tử luân hồi thì phải trừ cái vô minh. Nếu muốn trừ cái vô minh, thì phải dứt cái lòng ái dục (Taṅhā). Nếu muốn dứt cái lòng ái dục thì:
1. Mắt chẳng nên luyến theo sắc trần.
2. Tai chẳng nên luyến theo tiếng trần.
3. Mũi chẳng nên luyến theo mùi trần,
4. Lưỡi chẳng nên luyến theo vị trần.
5. Thân chẳng nên luyến theo xúc trần.
Phải hồi quang phản chiếu để xem xét câu niệm Phật, tham thiền về cái kiếp phù sanh chóng qua, vóc ảo chẳng chắc, đều phải hư hoại. Cái thân tứ đại giả hiệp, từ đầu chí chơn, ở trong đủ 32 vật trược:
Tóc, lông, móng, răng, da, thịt gân, xương, tủy-xương, thận, tim, gan, bầy nhầy, bao tử, phổi, ruột già, ruột non, vật thực mới phẩm, óc, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ đặc, nước mắt, mỡ lỏng, nước miếng, nước mũi, nước nhớt, nước tiểu, toàn là những vật hôi tanh dơ bẩn.
Nếu căn không luyến theo trần và hồi quang phản chiếu được như vậy rồi thì đâu có sự tiếp xúc, lãnh chịu, đâu có thương yêu ham muốn, đâu có lo sợ, thì cái khổ do đâu mà sanh được?
Kinh Pháp Hoa cũng có nói: "Cái nhân trong các việc khổ, là gốc bởi lòng tham muốn bằng dứt lòng tham muốn thì cái khổ không chỗ sanh vậy".
Ðức Tông Bổn nói: "Các nhơn giả thử xem người trên đời, ai chẳng yêu sắc dục, chẳng ưa rượu thịt, chẳng tham danh lợi, chẳng muốn giàu sang, ta biết các việc ấy là cội khổ, luân hồi, cho nên ta không lo cầu vậy".
Than ôi! Người đời chẳng biết sự khổ, hay làm nhiều điều rối rắm, chẳng ngay thẳng, chẳng nghĩa nhân, ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ sang áp hèn, ỷ giàu khinh nghèo, theo dạy bỏ pháp, ỷ lớn hiếp nhỏ làm những việc quấy như vậy, nên mới nổi chìm trong biển khổ.
Các nhơn giả này! Phải biết cái đau, cái chết khi đến rồi, thì không ai thay thế cho mình đặng. Dầu ông, bà, cha, mẹ, chồng, vợ, con cháu, cùng là công danh sự nghiệp, cũng đều không chỗ nhờ, chỉ phải gắng hết sức tu hành, thì mới mong thoát khỏi đặng. Huống chi thiều quang thắm thoát, ngày chẳng nhờ người, cơn sống thác vô thường, cuộc phù sanh đâu chắc. Bởi vậy, lời Tiên Ðức có nói rằng: "Thôi thôi, thôi, kíp sớm tu, trời nắng chẳng chịu đi chờ mưa đến ướt đầu". Lời ấy rất phải lắm vậy.
Phật có nói: 
  • Thảm thay cho con người, đã sanh ra rồi mà còn phải bị cái khổ GIÀ, không sao tránh khỏi.
  • Thảm thay cho con người, đã sanh ra rồi, mà còn phải bị cái khổ ÐAU, không sao tránh khỏi.
  • Thảm thay cho con người đã sanh ra rồi, mà còn phải bị cái khổ CHẾT, không sao tránh khỏi.

Bị ba cái khổ trọng đại ấy, mà con người không sớm tìm đàng thoát ra cho khỏi. Thảm thay, thảm thay! Ấy cũng vì chúng ta quá si mê, lầm tưởng cho chúng ta còn trẻ chưa già, còn mạnh chưa đau, còn sống lâu chưa chết, quên câu: Mạng bất khả diên, thời bất khả đãi. (Mạng chẳng khá chờ, giờ chẳng khá đợi). Lại có câu: Một hậu trầm luân, nhứt thất nhơn thân vạn kiếp bất phục. (Chết rồi đọa lạc, một thuở mất thân, muôn kiếp chẳng đặng lại), cho nên chúng ta phải sớm tua thức tỉnh, chớ nên say mê theo ngũ trần dục lạc làm cho bổn tánh lu mờ, tinh thần điên đảo, gây nên nghiệp báo sâu dày, mắc phải trầm luân khổ hải, thì biết bao giờ, mới thoát khỏi đặng. Nếu chúng ta thưòng nhớ mà suy xét đến cái cảnh khổ già, đau, chết bằng cách này. Tất cả chúng sanh trai hoặc gái chẳng hạn, từ vua chí dân, đều phải mang ba cái khổ trọng đại đó, chẳng có một ai tránh khỏi được. Suy xét thường thường như vậy, thì chúng ta mới mau được tự tỉnh ăn năn, hồi tâm hướng thiện, quy y Tam Bảo, mới có thể thoát khỏi cái khổ sanh tử luân hồi đặng.
Ðức Phật có giảng giải như vầy:
  • Ngươi nên dứt bỏ sự giận hờn ở thân ngươi, nên chế phục thân ngươi, nên trừ tuyệt những điều tội lỗi ở thân ngươi và dùng thân ngươi để làm việc đạo đức;
  • Ngươi nên dứt bỏ sự giận hờn ở miệng ngươi nên chế phục miệng ngươi, nên từ tuyệt những điều tội lỗi ở miệng ngươi và dùng miệng ngươi để nói lời đạo đức;
  • Ngươi nên dứt bỏ sự giận hờn ở ý ngươi, nên chế phục ý ngươi, nên trừ tuyệt những điều tội lỗi ở ý ngươi và dùng ý ngươi để tưởng về đạo đức.
Bậc Thánh nhân nhờ tịnh được tam nghiệp (thân, khẩu, ý) nên Ngài mới làm chủ lấy Ngài. Lời nói chơn thật là điều cần yếu thứ nhứt; lời nói hòa nhã là điều cần yếu thứ nhì; lời nói hiền lành là điều cần yếu thứ ba; lời nói hữu ích là điều cần yếu thứ tư.
Phải nhẫn nhục để trừ giận hờn;
Phải nhân từ để trừ hung dữ;
Phải chơn thật để trừ giả dối;
Phải bố thí để trừ tham lam.


KẾT LUẬN
Trước khi Phật nhập Niết Bàn ông A Nan và ông Ưu Bà Ly hỏi Phật như vầy: Bạch Ðức Thế Tôn, sau khi Ngài diệt độ, chúng tôi chỉ lấy ai làm thầy?
Phật dạy phải lấy Pháp luật làm thầy. Theo lẽ ấy, nếu tu không trì giới thì cũng như tu không thầy. Nếu đã tu không thầy thì không sao nên đặng.
Giới ví như mặt đất nếu không mặt đất thì tất cả vạn vật chẳng biết nương dựa vào đâu;
Giới ví như vách nhà, nếu nhà không vách thì lấy chi ngăn ngừa đạo tặc;
Giới cũng ví như chiếc thuyền để độ người qua biển, nếu không thuyền không sao qua biển đặng.
Cho nên các bậc tu Phật, nếu muốn cho chắc được khỏi khổ mà không giữ giới, thì dầu có hết lòng thành tín đi nữa, cũng phải bị gió trần nhiễm ô, đã bị nhiễm ô, thì tâm thần phải điên đảo, không thế nào hết khổ được.
Kinh Lăng Nghiêm có nói: Những người tu hành nếu không dứt đường dâm dục, sát sanh, trộm cắp, nói dối, mà muốn nên đạo Phật, thì chẳng khác nào nấu cát muốn thành cơm, nấu đến vô lượng kiếp cũng chẳng nên cơm đặng.
Trong kinh Ba La Ðề Mộc Xoa Ðức Phật Thích Ca có làm bài kệ. Ngài gom cả tinh thần lý đạo, tôi xin diễn ra sau đây:
Giữ thân trong sạch hạnh phúc biết bao,
Giữ miệng trong sạch hạnh phúc biết bao,
Giữ ý trong sạch, hạnh phúc biết bao,
Thân cùng khẩu ý trọn lành
Xa rồi tội lỗi gắn cành hoa sen;
Ai mà thân khẩu ý rèn,
Giữ theo thiện nghiệp, thân bèn đặng an.
Ba nghiệp hằng đặng rảnh rang,
Thác thời nhập thánh là đàng xưa nay.
Bị mắng chửi, lòng chẳng phai,
Với người tham lẫn, giận gay, chẳng sờn;
Giữ mình thanh tịnh là hơn.
Dầu ai gây dữ oán hờn mặc ai.

KINH NHẬT TỤNG CỦA CƯ SĨ

TỲ KHEO TĂNG-ÐỊNH HỢP SOẠN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét